NSND Hoàng Cúc: Làm thơ để chia sẻ ký ức

Mai Mai
01/07/2024 - 15:17
NSND Hoàng Cúc: Làm thơ để chia sẻ ký ức

NSND Hoàng Cúc

Ở tuổi U70, NSND Hoàng Cúc khiến nhiều người bất ngờ khi ra mắt tập thơ thể hiện dưới dạng trường ca mang tên “Cúc”. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Trường ca “Cúc” là hồ sơ trọn vẹn, trung thực nhất về tâm hồn NSND Hoàng Cúc. Từ đó, ông nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca.
Tập thơ đầu tay của nữ diễn viên "vang bóng một thời"

Trường ca "Cúc" dày 177 trang, đưa người đọc bước vào hành trình đầy cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời của tác giả, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, những chuyến đi hay những tháng ngày mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh ung thư. 

Chia sẻ về tập thơ đầu tay của mình, NSND Hoàng Cúc cho biết, những sáng tác trong "Cúc" là tiếng nói cảm xúc của bà về cuộc sống hằng ngày, về những ký ức, suy nghĩ của bản thân.

 "Còn nhiều vụng về trong sáng tác nhưng là cảm xúc của cá nhân tôi, là tiếng nói của riêng mình, cất lên những gì của riêng mình kể cả trong giấc mơ, kể cả trong cuộc sống hằng ngày, kể cả trong bệnh tật… Đó là dòng sông không phẳng lặng của cuộc đời tôi", bà nói.

Trong tập trường ca được coi là "diện mạo tâm hồn" của chính mình, NSND Hoàng Cúc sử dụng hình thức thơ linh hoạt, khi là thơ tự do, khi lục bát, lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ… 

Nhiều đoạn trong trường ca có thể tách ra thành một bài thơ độc lập, bởi đó là những lát cắt tâm trạng của tác giả trong những mốc thời gian khác nhau.

Việc NSND Hoàng Cúc làm thơ có thể khiến nhiều khán giả yêu mến bà qua những vai diễn trên màn ảnh, sân khấu ngạc nhiên. Tuy nhiên, với những người gần gũi và hiểu NSND Hoàng Cúc, đây không phải là điều quá bất ngờ. 

Nhiều năm qua, bà vẫn sáng tác thơ, truyện và đều đặn chia sẻ trên trang cá nhân của mình cũng như đăng trên các báo, tạp chí. Bà từng đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay tổ chức với truyện ngắn "Về nhà".

NSND Hoàng Cúc chia sẻ, bà yêu văn chương từ nhỏ. Từ khi mới 13-14 tuổi, bà đã đọc Puskin, L.Tolstoy, Dostoevsky… rồi Nhất Linh, Khái Hưng. Chính tác phẩm của những cây bút lớn ấy đã góp phần quan trọng vào việc định hình tư duy trong cuộc sống cũng như nghề diễn của bà. 

Khi trở thành sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh, ngoài giảng đường thì địa điểm quen thuộc với Hoàng Cúc là thư viện của trường, nơi bà có thể ngồi cả ngày lẫn đêm chỉ để đọc cho xong một cuốn tiểu thuyết. Bà đặc biệt yêu thơ ca. 

Trong cuốn sổ tay của cô thiếu nữ Hoàng Cúc ngày ấy được chép nắn nót rất nhiều thi phẩm của Heinrich Heine, Puskin, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... Từ yêu thơ, bà làm thơ một cách rất tự nhiên, theo tiếng lòng của mình. 

Có những thời điểm, thơ như cứu cánh, nâng đỡ bà dậy khi khó khăn, khi vấp ngã và đặc biệt là khi bà biết mình bị bệnh ung thư từ 14 năm trước…

"Vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca"

NSND Hoàng Cúc làm thơ để cất lên tiếng nói cảm xúc của mình, chia sẻ về những ký ức, suy nghĩ bên trong bản thân chứ không đặt mục tiêu là phải ghi dấu ấn với văn chương. Thế nhưng, những vần thơ trong trường ca "Cúc" của bà lại được giới chuyên môn đánh giá cao.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Trước khi đọc "Cúc", tôi mang cảm giác đứng trước một cánh cửa khóa kín mà không thể hình dung đằng sau cánh cửa kia là một thế giới như thế nào. Rồi cánh cửa ấy mở ra. Tôi đã bước vào và tôi thực sự bất ngờ và tôi bị thay đổi… 

Quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ, quá nhiều câu thơ như viết trong mê sảng, như viết trong đau ốm, như viết trong hoang mang, sợ hãi, như viết trong sự đập cánh lộng lẫy của tâm hồn và mang theo giấc mơ lớn để bay lên. Trong thế giới "Cúc", tôi nhìn thấy vẻ đẹp mới của đời sống và thi ca".

Trong khi đó, PGS.TS Phùng Gia Thế, giảng viên, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, cho rằng: Trường ca "Cúc" mang nội lực xúc cảm mạnh mẽ, tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, lãng mạn, lắng sâu, đâu đó phảng phất hư vô.

Biển sẽ hết ầm ào vật vã

Mây vẫn xanh dẫu chớp gọi mưa nguồn

Hoa vẫn nở tối tàn mai vương nụ

Trụ ngụ rồi sáng lại gập gối chăn…

Hãy là cát hay nhành hoa man dại

Mải mê ca hát rộn ven đường

Dẫu là nước bốc hơi theo tia nắng

Ập xuống đời buông như lũ như nguồn

**

Ngồi buồn lôi mặt ra chơi

Vết hằn năm tháng bời bời xóa luôn

Xóa luôn cả khóe miệng buồn

Xóa luôn cả ánh mắt tuôn lệ trào

Xóa đi xóa lại ngọt ngào

Tóc đen môi thắm thủa nào, xóa luôn

Ngồi buồn nghe giọt mưa tuôn

Giọt buồn thánh thót giọt luồn hư vô

Thủa nào ta thật ngây ngô

Nhìn trăng trăng lặn, nhìn mây mây hờn

Thủa nào lòng dạ thẳng chơn

Nghe cơn gió thoảng cũng nghe u sầu

Bây giờ buồn nhé còn lâu

Bây giờ vui nhé! Nghe đâu dạ hờn

Bây giờ kể chuyện đâu đâu

Bây giờ chỉ sợ

Bây giờ chỉ sợ

Lại xanh mái đầu…

Trích trường ca "Cúc"

Với nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ, trường ca "Cúc" là một bất ngờ lớn: "Hiếm thấy tác giả nào trong làng thơ Việt hiện đại mà in tập thơ đầu là một trường ca. Thể loại này đòi hỏi một sức viết, một trường lực, một câu chuyện cùng vô vàn những chi tiết, sự kiện". 

Theo Đỗ Anh Vũ, trong thế giới nội tâm của mình, NSND Hoàng Cúc đã đưa đến cho bạn đọc nhiều câu chuyện, nỗi niềm, giãi bày rất nhiều tâm sự, được trải ra trong một khoảng thời gian kéo dài với ngôn ngữ thơ phóng khoáng, tự nhiên, linh hoạt về hình thức. 

Ở phần nào của trường ca, người đọc cũng dễ dàng tìm được những câu thơ ấn tượng, những khổ thơ hay, những câu thơ cảm động.

NSND Hoàng Cúc cho biết, toàn bộ doanh thu từ việc bán sách sẽ được bà dành cho việc thiện nguyện, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao.

NSND Hoàng Cúc tên thật là Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Tên tuổi của bà gắn liền với nhiều vở kịch nổi tiếng như: "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Nghĩ về mình", "Ăn mày dĩ vãng", "Thầy khóa làng tôi", "Mùa hoa sữa"… Trên phim ảnh, bà được yêu mến qua các bộ phim "Tướng về hưu", "Bỉ vỏ", "Sa bẫy", "Hồi chuông màu da cam", "Dòng sông khát vọng", "Kiếp phù du"...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm