NSND Thanh Ngoan: Từ cô bé vùng đồng ruộng Thái Bình đến nghệ sĩ hàng đầu của chiếu Chèo Việt

Thái Hưng - Ảnh: NVCC
28/10/2020 - 23:15
NSND Thanh Ngoan: Từ cô bé vùng đồng ruộng Thái Bình đến nghệ sĩ hàng đầu của chiếu Chèo Việt
41 năm gắn bó với nghệ thuật Chèo, NSND Thanh Ngoan chưa bao giờ thấy khó, thấy khổ. Bởi với chị, Chèo cho chị tất cả những gì chị muốn.

NSND Thanh Ngoan tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngoan, sinh năm 1966 tại Thái Bình. 9 tuổi đã đặt chân lên chiếu Chèo, 13 tuổi thì trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam, cái tên "Ngoan Chèo" theo chị từ đấy như một câu sấm "Đã mang lấy nghiệp vào thân".

Nhưng dù Chèo là nghiệp, 41 năm qua, từ khi ở đỉnh cao sự nghiệp tới lúc phải đảm vai "thuyền trưởng" gồng gánh, lái chèo "con tàu" nhà hát giữa bộn bề vật lộn của thời đại số, Thanh Ngoan chưa một lần "trách lẫn trời gần trời xa". Chị bảo, sao dám trách khi Chèo đã cho chị mọi thứ.

Đúng là Chèo cho Thanh Ngoan mọi thứ. Từ vai diễn đầu tiên trong Quan Âm Thị Kính tới vai diễn vàng son trong Vợ chồng Cả Dọc, Thanh Ngoan đã khiến ngay cả những người thầy của mình cũng phải quý nể vì lối diễn sắc sảo đa diện biến hóa, nay đào lệch đến cay nghiệt mai đã thành đào thương đa đoan khéo khơi nước mắt người xem.

NSND Thanh Ngoan: Từ cô bé vùng đồng ruộng Thái Bình đến nghệ sĩ hàng đầu của chiếu Chèo Việt - Ảnh 1.

NSND Thanh Ngoan nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019

Chèo cho Thanh Ngoan danh vọng, tiền bạc, địa vị và cả sự yêu thương trân trọng từ khán giả, nhưng Chèo cũng lấy đi của Thanh Ngoan một cuộc sống riêng tư bình an, êm ấm, thứ mà người phụ nữ nào cũng khao khát tôn thờ.

Khi cuộc hôn nhân đầu tiên đến bờ vực, Thanh Ngoan từng chất vấn bản thân, rằng chị có sai khi quá đắm đuối với Chèo, rằng chị có nên từ bỏ sự nghiệp này không. Cuối cùng chị chọn đi tiếp. Không phải vì chị coi trọng Chèo hơn người đàn ông đầu gối má kề, mà chị chấp nhận sự thiếu sót của cuộc đời. Giữ cái nghiệp và chấp nhận sự đa đoan mà ông Trời sắp đặt, chị bảo, đó là lẽ trả vay, lẽ quân bình, được cái này mất cái kia, không bao giờ có sự tròn đầy hoàn mỹ. "Ông trời không cho chọn cả hai. Tôi phải chọn một và tôi đã chọn đúng".

Cũng có giai đoạn chị được bạn bè rủ bỏ Chèo đi tìm kế sinh nhai cho đỡ lao tâm khổ tứ, chị từ chối chỉ vì ngoài Chèo ra, chị không tự tin mình làm tốt thứ gì khác. Mà vì không biết làm gì khác thì lại càng chuyên tâm hơn với Chèo.

10 năm nay làm công tác quản lý Nhà hát Chèo Việt Nam, Thanh Ngoan không ngại từ chối các sô diễn lớn nhỏ để tập trung cho công việc của Nhà hát. Với chị, hào quang cá nhân và thù lao bạc triệu không quan trọng bằng làm thế nào để nhà hát có thể sáng đèn, để anh em nghệ sĩ – nhất là lớp diễn viên trẻ - được bận rộn với những hợp đồng biểu diễn, những chương trình nghệ thuật, những chuyến lưu diễn nước ngoài… 

Chị bảo, nếu chị sống được bằng nghề trong hơn 40 năm qua thì chị cũng sẽ làm bằng được điều đó cho các nghệ sĩ trong nhà hát của chị. Thứ chị cần ở họ chỉ là sự chuyên tâm như nhất, đắm đuối với nghề. "Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, mà nếu có cũng sẽ rất nhiều gai. Không rỏ máu, không kiên trì, sẽ không bao giờ đi tới cái đích cuối cùng", Thanh Ngoan tự sự.

NSND Thanh Ngoan đã có 41 năm gắn bó với nghệ thuật chèo

NSND Thanh Ngoan đã có 41 năm gắn bó với nghệ thuật chèo

Ở tuổi ngoài 50, đã đi một hành trình dài đằng đẵng với Chèo, NSND Thanh Ngoan vẫn như con tằm nhả tơ miệt mài, vẫn sáng rực ánh mắt khi ai đó hỏi chị về Chèo, vẫn hào sảng giọng nói giọng cười réo rắt ngọt ngào mỗi khi cất tiếng thị phạm trên sân khấu cho diễn viên trẻ, vẫn đau đáu một nỗi niềm hồi quang cho chiếu Chèo ngày xuân trên đất Việt. Chỉ có một chút khác biệt nhỏ, đó là nỗi đa đoan năm xưa từ lâu đã được bù đắp bằng một tâm hồn đủ thấu hiểu, đồng điệu và sẻ chia ở nơi mà chị gọi là tổ ấm.

Năm 2019, NSND Thanh Ngoan đã được TƯ Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Trước đó, chị đã được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2016, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2016, Bằng khen của Công đoàn viên chức Việt Nam năm 2015. NSND Thanh Ngoan cũng là chủ nhiệm của Đề tài Khoa học cấp Bộ "Kế thừa và biến đổi Nghệ thuật biểu diễn Chèo cổ với đề tài hiện đại" (2015- 2016).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm