pnvnonline@phunuvietnam.vn
NSƯT Minh Vượng: Ăn nhầm xà phòng vì tưởng là bánh Trung thu
Nhớ mãi kỷ niệm ăn nhầm bánh xà phòng
Với NSƯT Minh Vượng, dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ký ức về Trung thu của tuổi thơ vẫn hiển hiện rõ nét. Gia đình chị đông con, bố mẹ và 6 người con sống trong căn nhà nhỏ tại khu lao động nghèo ở Lương Yên, Hà Nội. Cuộc sống vất vả nhưng bố mẹ chị không bao giờ quên Tết Trung thu của các con. Cùng với hàng xóm, nhà chị quần tụ ở một mảnh sân, trải chiếu ra rồi chơi trò bịt mắt bắt dê, gõ trống ếch, rước đèn ông sao, hát hò… "Hồi ấy, trẻ con đón trăng trân trọng lắm. Bố mẹ cũng không có gì nhiều cho con nhưng luôn quây quần dưới ánh trăng để chơi cùng các con", chị kể.
Minh Vượng còn nhớ, để làm mặt nạ Trung thu, ngày đó chị cùng các bạn thường lấy một tờ bìa rồi vẽ lên đó theo tưởng tượng và sở thích của mỗi người, xong dùng dây gai để buộc rồi đeo lên mặt. Còn ông địa được tạo ra bằng cách lấy quần áo nhét vào bụng rồi lấy dây buộc lại, tay cầm cái quạt nan. Cứ thế, đám trẻ con trong khu lao động nghèo vui đùa, nhảy múa dưới trăng.
Nhớ Trung thu xưa, NSƯT Minh Vượng đặc biệt nhớ kỷ niệm… ăn bánh xà phòng. Ngày đó, bánh nướng, bánh dẻo rất hiếm, có lần chị được ăn một miếng bánh dẻo nhỏ mà nhớ mãi. Một tháng sau, chị thấy một miếng gì vuông vuông, nho nhỏ để trong cái đĩa, liền lấy đưa lên miệng cắn. Vừa cắn, chị đã phải nhè ra ngay lập tức. Thì ra, đó là bánh xà phòng mà mẹ cắt nhỏ ra để giặt quần áo. Giờ nghĩ lại, chị thấy vừa buồn cười vừa thương cô bé Minh Vượng năm nào. Bởi quá thèm và nhớ vị bánh Trung thu mà "nhìn gà hóa cuốc", cắn nhầm cả bánh xà phòng.
Ca sĩ Thu Phương: 10 năm bán mặt nạ Trung thu tự chế
Nhắc đến Trung thu, ca sĩ Thu Phương lại không khỏi nghẹn ngào, xúc động bởi nhớ về quãng tuổi thơ nghèo khó. Nhà chị nghèo nhất xóm, trong khi tất cả mọi nhà đều có điện thì nhà chị lại không. Bố mẹ đi làm suốt ngày đêm để kiếm tiền nuôi con. Chị cứ nhớ mãi hình ảnh mẹ vội vàng đạp xe đi làm lúc 8 giờ tối và trở về nhà khi đã 7 giờ sáng, cũng vì thế mà chẳng mấy khi chị được ngủ với mẹ.
Cũng bởi nhà quá nghèo, nên quà bánh Trung thu năm nào của mấy anh em chị cũng chỉ có 1 đĩa lạc và đĩa quả nhỏ mấy anh em chia nhau. Trong khi nhiều bạn bè được bố mẹ mua nặt nạ, đèn lồng cho chơi thì nhà chị không có gì. Anh trai Thu Phương đã nghĩ cách cắt bìa vở cũ, vẽ hình thù lên trên và đục hai lỗ, đeo dây chun vào làm mặt nạ để làm quà cho em. "Anh còn nghĩ ra cách làm thật nhiều mặt nạ và hai anh em đi bán. Ít nhất 10 năm ròng, Trung thu của tuổi thơ tôi là như thế. Những kỷ niệm ấy buồn mà cũng thật đẹp, khiến tôi không thể quên", nữ ca sĩ cho biết.
Khoảng năm 12 tuổi, gia đình Thu Phương có điều kiện hơn nhưng cũng chưa có tivi. Thu Phương nhớ ngày Trung thu, cả xóm quây quần xem vô tuyến tại một nhà và trẻ con cùng ùa ra đường ăn bánh kẹo, đeo mặt nạ tự làm. Chỉ đơn giản vậy thôi mà chị cảm thấy rất hạnh phúc. Năm 14 tuổi, Thu Phương trở thành diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, rời Hải Phòng lên Hà Nội học tập và biểu diễn. Mỗi mùa Trung thu, chị thường được lên sân khấu múa hát, hóa thân thành công chúa. Những lúc đó, chị thấy mình như được sống lại với Trung thu xưa, được bù đắp những mơ ước, khát khao trong ấu thơ của một cô bé đa cảm, mơ mộng…
Diễn viên Jolie Phương Trinh: "Dấu ấn Trung thu" trên mặt
Đó là năm Jolie Phương Trinh học lớp 3. Đêm Trung thu, cô bé Jolie Phương Trinh chỉ mong sao cả xóm mình bị… cúp điện để được ngắm trăng sáng rõ, được rước đèn lồng… "Hên sao hôm đó bị cúp điện thật. Thế là cả nhóm con nít trong xóm mang lồng đèn tự làm ra chơi. Đứa thì lồng đèn lon sữa bò, đứa thì lồng đèn ngôi sao… Cả đám đi xung quanh xóm hát hò. Dưới ánh trăng chỉ có ánh đèn cầy của những chiếc lồng đèn soi đường", nữ diễn viên nhớ lại.
Cúp điện, dù trăng có sáng đến mấy thì các ngõ ngách vẫn không thể soi tỏ cảnh vật, đường đi. Trong khi các bạn đi lại khá thận trọng thì Jolie Phương Trinh, với bản tính hiếu động, vẫn chạy nhảy trên những cái ống cống được dựng lên ở dưới đường. "Đang chạy, Trinh bị hụt chân và cái cằm đập vào thành bê tông, cắt luôn một vết thật to ngay dưới cằm trái. Vết thương đó còn đến tận bây giờ và có nguyên cái sẹo to đùng dưới cằm trái. Cứ nhìn thấy cái sẹo là nhớ ngay mùa Trung thu năm lớp 3", cô kể.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Tự làm đèn lồng Trung thu
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ, anh không bao giờ quên những mùa Tết trung thu khi còn nhỏ. "Đó là những ký ức tuyệt vời trong cuộc đời tôi. Hồi bé tôi rất thích lồng đèn kéo quân hoặc có hình ngôi sao hay con cá. Tôi thường nhờ ông làm rồi mang ra khoe với mấy đứa trẻ hàng xóm.
Sau này lớn lên một chút, tôi tự làm đèn kéo quân cho mình. Ngày đó thời tiết đẹp lắm, trăng tròn thơ mộng, soi sáng cả bầu trời. Lũ trẻ chúng tôi kéo nhau ra vùng đất trống, nổi lửa lên và chia nhau bánh kẹo, khoe lồng đèn tự làm. Chúng tôi cứ nghĩ đó là cả tòa lâu đài, cứ mong ngóng hết một năm để được sống trong ký ức "xa hoa" đó".
Khi trở thành ca sĩ nổi tiếng, Trung thu của Mr Đàm thường là những chuyến lưu diễn, đi phát quà cho trẻ em ở vùng xa. "Nhìn những nụ cười rạng rỡ, niềm vui trên ánh mắt của bọn trẻ khi nhận được những chiếc bánh, gói kẹo, tôi thấy bồi hồi khó tả", anh chia sẻ. Có năm, anh đi vòng quanh thành phố, đến các bệnh viện để trao quà cho các bệnh nhi. Anh cũng muốn những đứa trẻ lang thang ở vỉa hè được đón Tết trung thu nên vận động mọi người phát bánh kẹo cùng nhau.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết, điều anh mong muốn nhất lúc này là tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát được, để các em nhỏ được đón mùa Trung thu trong yên bình. Nếu bệnh dịch vẫn còn phức tạp, anh sẽ tình nguyện đến các bệnh viện dã chiến, khu cách ly để biểu diễn, trao quà, mang chút ấm áp đến với các em thiếu nhi trong dịp Tết đoàn viên.