Nữ bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc cản quang tại Bệnh viện Bạch Mai

08/05/2019 - 17:06
Sau khi tiêm thuốc cản quang để tiến hành chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, người tím tái và tử vong.

Chiều ngày 8/5, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp nữ bệnh nhân 23 tuổi tử vong tại Bệnh viện. Theo đó, ngày 6/5, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hải H. (23 tuổi, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng hạ sườn phải - sau khi sinh con khoảng 1 tháng. Bệnh nhân có chỉ định chụp cắt lớp vi tính để xác định nguyên nhân.

Khoảng 15h ngày 6/5 bệnh nhân được đưa tới phòng chụp cắt lớp vi tính. Sau khi tiêm thuốc cản quang để tiến hành chụp, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, người tím tái, nghi sốc phản vệ. Các y, bác sĩ đã rất kịp thời và nỗ lực tiến hành cấp cứu theo đúng quy trình cấp cứu sốc phản vệ nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong vào khoảng 4h sáng ngày 7/5.

bv-bach-mai.jpg
Bệnh viện Bạch Mai, nơi xảy ra sự việc

 

Trưa ngày 7/5, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Bạch Mai đã gặp gỡ gia đình bệnh nhân. Gia đình bệnh nhân không đồng ý mổ tử thi, Bệnh viện đã bố trí phương tiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ đưa nạn nhân về quê nhà làm thủ tục mai táng theo nguyện vọng của gia đình. Đồng thời, Bệnh viện và gia đình đã thống nhất sẽ có buổi làm việc tiếp theo vào ngày 21/5 tới.

Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc cản quang là thuốc được tiêm vào cơ thể để làm tăng khả năng thấy rõ tổn thương khi chụp X-quang, cắt lớp vi tính... Hiện nay, số bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng nên tần suất bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung tăng. Nhiều trường hợp dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời cũng không tránh khỏi tử vong.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng hệ thống cấp, nguy kịch và dễ có nguy cơ tử vong, phát sinh khi có sự xâm nhập của dị nguyên vào cơ thể. Nó có đặc điểm tăng tính thấm thành mạch, phù nề, xuất tiết niêm mạc và co thắt cơ trơn (phế quản và ruột) dẫn đến truỵ tim mạch, suy hô hấp và rất dễ gây tử vong.

Thuốc là 1 trong 4 nhóm chính thường gây sốc phản vệ. Trong đó sốc phản vệ do thuốc cản quang chiếm tỷ lệ 1/5.000 trường hợp. Sốc phản vệ thường xảy ra ở cơ thể có “cơ địa dị ứng”, nghĩa là với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra với người khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm