Nữ bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" nói gì về số tiền 2,8 triệu USD để "chạy án"?

Nguyễn Long
12/07/2023 - 14:34
Nữ bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu" nói gì về số tiền 2,8 triệu USD để "chạy án"?

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, khai trước tòa.

Nữ cựu phó tổng giám đốc Công ty Bluesky khai, nếu không đưa tiền thì sẽ không được cấp phép bay nhiều như thế. Khi biết hành vi của mình sẽ bị xử lý hình sự, bị cáo này đã gặp cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đưa 2,8 triệu USD để "chạy án".

"Nếu không đưa tiền thì sẽ không được cấp phép nhiều như thế"

Ngày 12/7, tại phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, nhiều lần nói không nhớ, và đã khai hết với cơ quan điều tra. Chủ tọa yêu cầu bị cáo vẫn phải khai bởi đây là phiên tòa công khai, có nhiều tổ chức.

Sau đó bị cáo khai đã dùng nhiều pháp nhân để tổ chức 109 chuyến bay. Để được cấp phép chuyến bay, tổ chức cách ly y tế, bị cáo Hằng đã đưa hối lộ cho nhiều cá nhân có thẩm quyền.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bị cáo Hằng đã đưa hối lộ 63 lần. Trong đó, bị cáo đã hối lộ bị cáo Tô Anh Dũng 5 tỉ đồng; Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ quan hệ quốc tế (Văn phòng chính phủ) 3,2 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 5,9 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó cục trưởng cục trưởng Cục Lãnh sự, 2,6 tỉ đồng và nhiều cá nhân khác. Ngoài ra, bị cáo còn xác nhận đã đưa hối lộ một số cá nhân tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, khi xin cấp phép chuyến bay, cán bộ tại Cục Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an và Bộ Y tế có đòi hỏi tiền. Trước đó, doanh nghiệp của bị cáo cũng xin cấp phép song không được nhiều hoặc sát giờ bay mới được cấp phép. 

Bị cáo Hằng nói nếu không đưa tiền thì sẽ không được cấp phép nhiều như thế. Tất cả mọi việc bị cáo đều trao đổi với Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc Công ty Bluesky để thống nhất.

Đưa 2,8 triệu USD để "chạy án"

Khi được hỏi về hành vi đưa tiền để "chạy án", nữ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng khai khi biết có khả năng bị xử lý hình sự vì sai phạm, bị cáo đã có quen biết và thân thiết bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, để nhờ tư vấn. 

"Anh Tuấn khuyên bị cáo nên đầu thú. Sau đó, anh Anh Tuấn đã giới thiệu bị cáo Hoàng Văn Hưng là điều tra viên của vụ án. Bị cáo và Hưng sau đó gặp nhau tại nhà riêng của Anh Tuấn. Tại đây bị cáo được anh Hưng tư vấn ra tự thú và viết bản tự khai. Sau đó, bị cáo đã đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn với tổng số tiền 2,8 triệu USD", bị cáo Hằng khai.

Chủ tọa truy hỏi: "Mục đích bị cáo đưa tiền cho Nguyễn Anh Tuấn đưa cho Hưng để không bị xử lý hình sự?", bị cáo Hằng ngập ngừng một lúc sau đó, bị cáo Hằng khai: Mục đích để giúp bị cáo và bị cáo Lê Hồng Sơn không bị xử lý hình sự.

Bị cáo Hằng khai tiếp, trước khi đưa số tiền 2,8 triệu USD cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, bị cáo và Lê Hồng Sơn đã thống nhất phương án này. Còn việc bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đưa bị cáo Hoàng Văn Hưng thì bị cáo không biết.

Tại toà, bị cáo Lê Hồng Sơn xác nhận biết việc Hằng đưa tiền cho Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng. Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đều xin Hội đồng xét xử giảm trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, 2 bị cáo xin Hội đồng xét xử được xin lại số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt.

Vụ án "Chuyến bay giải cứu"

Số bị cáo: 54, trong đó:

+ 21 bị cáo về tội "Nhận hối lộ";

+ 23 bị cáo về tội "Đưa hối lộ";

+ 4 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";

+ 4 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ";

+ 1 bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản";

+ 1 bị cáo về cả 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ".

Số bị cáo nữ: 16 (chiếm 29,6% tổng số bị cáo) trong đó:

+ 12 bị cáo về tội "Đưa hối lộ"

+ 2 bị cáo về tội "Nhận hối lộ";

+ 1 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";

+ 1 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ".

Phiên sơ thẩm: Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" vào sáng 11/7/2023 với thời gian làm việc dự kiến 1 tháng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bị cáo trong vụ án này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát xác định: Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/202, có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Vụ án này có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục trong số các phiên tòa tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội với gần 120 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong số này có 10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Hội đồng xét xử đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm