Vai trò các nữ bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu": Đưa hối lộ nhiều nhất

Nguyễn Long
11/07/2023 - 19:00
Vai trò các nữ bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu": Đưa hối lộ nhiều nhất

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu" với 54 bị cáo, trong đó có 16 bị cáo nữ.

Theo cáo buộc của Viện kiểm sát, Giám đốc Công ty An Bình Hoàng Diệu Mơ là người đưa hối lộ nhiều nhất trong đại án "chuyến bay giải cứu" với hơn 34 tỷ đồng. Bị cáo Phạm Trung Kiên, Thư ký thứ trưởng Bộ Y tế được xác định là người nhận hối lộ nhiều nhất, với hơn 40 tỷ đồng.

Nữ giám đốc đi hối lộ hơn 34 tỷ đồng để xin cấp phép bay

Những lần đưa hối lộ của bị cáo Hoàng Diệu Mơ:

+ Đưa 8 lần, tổng số tiền 8,5 tỷ đồng đồng cho Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

+ Đưa 11 lần, tổng số tiền 13,2 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự;

+ Đưa 7 lần, số tiền 2,6 tỷ đồng cho Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục Lãnh sự;

+ Đưa 3 lần, số tiền 60 triệu đồng cho Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự;

+ Đưa 3 lần, số tiền 43 triệu đồng cho Lưu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự;

+ Đưa 4 làn, số tiền 5,1 tỷ đồng cho Vũ Anh Tuẩn, cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an);

+ Đưa 4 lần, số tiền 5,1 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên, cựu thứ ký thứ trưởng Bộ Y tế.

Chiều 11/7, đại diện VKS tiếp tục công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong vụ án này có 54 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số các bị cáo bị cáo buộc đưa hối lộ, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Giám đốc Công ty An Bình, được xác định là người đưa hối lộ nhiều nhất. tổng số tiền đưa hối lộ lên đến hơn 34 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty An Bình được do Hoàng Diệu Mơ làm Giám đốc; hoạt động trong lĩnh vực vé máy bay, lữ hành quốc tế. Hoàng Diệu Mơ đã sử dụng Công ty An Bình và 5 công ty liên kết để tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước. 

Mơ đã đặt vấn đề và được các cá nhân có thẩm quyền giải quyết cấp phép 66 chuyến bay giải cứu. Trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, Mơ bị cáo buộc đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 41 lần, với số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Hoàng Diệu Mơ và gia đình nộp 2,4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Vai trò các nữ bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu": Đưa hối lộ nhiều nhất - Ảnh 2.

Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Giám đốc Công ty An Bình

 

Bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất

Trong số các bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên, Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhưng đã nhận hối lộ 253 lần. Đây cũng là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, lên tới 42,6 tỉ đồng.

Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là từ 7-15 triệu đồng/người.

Trong đó, tháng 7/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đến liên hệ và được Kiên đồng ý giúp trình ký duyệt cấp phép các chuyến bay. Phạm Trung Kiên yêu cầu Hằng phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay. Tháng 9/2021, khi gặp Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, Phạm Trung Kiên cũng yêu cầu Sơn phải chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay.

Sau đó, bị cáo đã nhận tiền 7 lần, tổng số tiền 6 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn để trình ký cấp phép 40 chuyến bay.

Vai trò các nữ bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu": Đưa hối lộ nhiều nhất - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" trong buổi chiều ngày 11/7.

 

Nhận hối lộ, chuyển vào tài khoản mẹ vợ

Một doanh nghiệp khác là Công ty Vijasun cũng đến liên hệ và nhờ bị cáo Kiên giúp giải quyết việc cấp phép chuyến bay. Kiên yêu cầu Đào Minh Dương (Giám đốc công ty) chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay. Dương thỏa thuận xin bớt và được Kiên đồng ý giảm còn 100 triệu đồng mỗi chuyến bay. Sau đó, bị cáo đã nhận hối lộ ba lần tổng cộng 1,1 tỉ đồng.

Vai trò các nữ bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu": Đưa hối lộ nhiều nhất - Ảnh 4.

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang, cán bộ Cục Hàng không Việt Nam liên hệ, nhờ Kiên giúp trình ký cho các khách lẻ được về nước thì bị cáo đồng ý và tiếp tục yêu cầu phải chi tiền từ 7-15 triệu đồng mỗi khách.

Từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ qua chuyển khoản của Vũ Hồng Quang 114 lần tổng cộng 7,4 tỉ đồng.

Giai đoạn điều tra, bị cáo còn khai được nhận chuyển khoản 62 lần của đại diện doanh nghiệp với số tiền 7,3 tỉ đồng để trình ký cho khách lẻ về nước. Khi nhận tiền, bị cáo thường nhận tại trụ sở cơ quan, hoặc chuyển khoản. Một số lần, bị cáo nhờ chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Bích Ngọc (mẹ vợ bị can Phạm Trung Kiên) nhận hộ.

Sau khi vụ án được khởi tố, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp 12,2 tỉ đồng. 

Vụ án "Chuyến bay giải cứu"

Số bị cáo: 54, trong đó:

+ 21 bị cáo về tội "Nhận hối lộ";
+ 23 bị cáo về tội "Đưa hối lộ";
+ 4 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";
+ 4 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ";
+ 1 bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản";
+ 1 bị cáo về cả 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ".

Số bị cáo nữ: 16 (chiếm 29,6% tổng số bị cáo) trong đó:

+ 12 bị cáo về tội "Đưa hối lộ"

+ 2 bị cáo về tội "Nhận hối lộ";

+ 1 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";

+ 1 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ".

Phiên sơ thẩm: Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" vào sáng 11/7/2023 với thời gian làm việc dự kiến 1 tháng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bị cáo trong vụ án này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát xác định: Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/202, có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Vụ án này có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục trong số các phiên tòa tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội với gần 120 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.

Trong số này có 10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Hội đồng xét xử đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm