pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ công đoàn viên trên hành trình xây dựng "Mái ấm Công đoàn"
Công đoàn Công ty than Dương Huy trao kinh phí từ Quỹ "Mái ấm Công đoàn TKV" và quỹ hỗ trợ của Than Dương Huy hỗ trợ người lao động xây nhà "Mái ấm Công đoàn". Ảnh: Văn Toàn
Tinh thần sẻ chia và trách nhiệm
Trong suốt quá trình xây dựng chương trình "Mái ấm Công đoàn", các nữ công đoàn viên tiêu biểu đã khẳng định vai trò lãnh đạo và cống hiến không mệt mỏi. Họ không chỉ là những người có năng lực tổ chức, quản lý mà còn là những người bạn đồng hành, luôn lắng nghe và chia sẻ những khó khăn với các đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống. Những câu chuyện về hành trình trao mái ấm cho các công nhân là những bài học đầy cảm hứng về sự kiên cường và tinh thần trách nhiệm trong công tác.
Chị Sầm Thị Thơm, công đoàn viên Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Ban đầu, chúng tôi chỉ muốn hỗ trợ những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn nhưng khi chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của họ khi nhận được nhà ở mới, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được giá trị của công việc mình làm".
Là thành viên tích cực tham gia công tác khảo sát, bình xét để hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo những người được hưởng lợi thực sự là đoàn viên khó khăn, chị Sâm cùng các thành viên của Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo niềm tin cho đoàn viên và người lao động, góp phần vào việc tuyên truyền vận động đoàn viên tự nguyện đóng góp quỹ. Nhờ đó, nhiều gia đình công nhân có thể sở hữu những ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, cống hiến lao động sản xuất.
Anh Hoàng Văn Sơn, Đoàn viên Công đoàn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, cho biết, vợ chồng anh có 2 người con, con gái mắc bệnh bại não, cuộc sống vô cùng khó khăn chưa từng nghĩ đến ngày sẽ có được ngôi nhà của riêng mình. Bao năm sống trong cảnh thuê nhà tạm bợ, cuộc sống đã khốn khó lại càng vất vả hơn khi bệnh tình của con gái ngày càng phải chữa trị với chi phí tốn kém. Thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của anh Sơn, cuối năm 2023, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xem xét, đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng hỗ trợ anh Sơn xây dựng "Mái ấm Công đoàn". Anh Sơn chia sẻ: "Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Công đoàn, gia đình tôi xây được căn nhà vững chắc. Có căn nhà mới đã tiếp thêm động lực để gia đình tôi phấn đấu vươn lên có cuộc sống tốt hơn".
Bà Trần Thu Hồng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), cho biết: Chương trình "Mái ấm Công đoàn" đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp của người lao động. Để chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống cho công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ), công tác điều tra, khảo sát các trường hợp đề nghị hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc quan trọng hơn cả là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình trong đoàn viên, CNVCLĐ, vận động sâu rộng trong CNVCLĐ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ để ngày càng có thêm nhiều "Mái ấm Công đoàn" được trao tặng, tạo điều kiện cho đoàn viên, CNVCLĐ nghèo vươn lên trong cuộc sống".
Có thể thấy, một trong những yếu tố quan trọng giúp sáng kiến "Mái ấm Công đoàn" thành công chính là sự khéo léo, nhiệt huyết trong công tác, kết nối, xây dựng mạng lưới, vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay với Công đoàn chia sẻ được những khó khăn của đồng nghiệp, cải thiện cuộc sống cho CNVCLĐ.
Khó khăn và các thách thức
Mặc dù sáng kiến "Mái ấm Công đoàn" đã đạt được nhiều thành công nhưng cũng còn đó không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là việc huy động được nguồn tài chính để nhân rộng hơn nữa các mô hình và giúp đỡ được cho nhiều CNVCLĐ. Đây cũng là nỗi trăn trở của nhiều cán bộ Công đoàn.
Bên cạnh đó, việc thuyết phục các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia chương trình cũng là một thử thách không nhỏ. Bà Trương Thị Loan Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Phú (Sóc Trăng), cho biết, tùy vào hoàn cảnh của các công đoàn viên, họ sẽ được hỗ trợ các mức khác khau. Vì vậy, nhiều người lao động còn lo lắng về khả năng trả nợ đối với khoản tiền xây nhà vượt quá mức hỗ trợ hoặc không mơ mộng đến việc sở hữu một căn nhà riêng.
Tuy nhiên, với quan niệm cán bộ công đoàn không chỉ là người làm phong trào, bà Trương Thị Loan Anh cho rằng mọi hoạt động của công đoàn phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, từ tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Từ đó tìm ra những giải pháp đem lại lợi ích sát sườn cho đoàn viên, người lao động.
"Điều đặc biệt hơn nữa là, thời gian làm cán bộ công đoàn, niềm vui của tôi hầu như đều gắn với niềm vui, nỗi buồn của công nhân lao động. Đó là khoảnh khắc vui không thể tả được khi trao "Mái ấm Công đoàn", giây phút không cầm được xúc động khi "Hỗ trợ chút đỉnh kinh phí điều trị bệnh" cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Đó là sự hào hứng, phấn chấn của công nhân lao động trong mỗi dịp hội thao, văn nghệ hàng năm. Đó là cảm xúc vỡ òa hạnh phúc của công nhân lao động khi nhận được tin vui về thay đổi chế độ, lương thưởng…" - bà Loan Anh chia sẻ
Với những việc làm xuất phát từ trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để đoàn viên, người lao động có được nhà ở, an tâm lao động, ổn định cuộc sống, chị Loan Anh cũng như rất nhiều nữ cán bộ Công đoàn đã luôn tiên phong, sáng tạo trong việc thực hiện các sáng kiến thiết thực, mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng . Họ chính là "ngọn lửa" truyền cảm hứng, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, vì lợi ích chung của toàn thể công nhân lao động. Với nỗ lực của họ, chương trình "Mái ấm Công đoàn" sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, mang đến những mái ấm, hạnh phúc cho nhiều gia đình công nhân trong tương lai.