Tuần nào cũng vậy, sau khi kết thúc ca làm việc buổi chiều thứ bảy, Phạm Thị Hiền, công nhân Nhà máy Sợi Yên Mỹ, Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), lại vội vã sắp xếp đồ đạc, phóng xe máy về Hà Nam thăm con.
Phải cả chục năm qua, từ khi sinh con lớn, rồi sinh con nhỏ, nắng cũng như mưa, dù trời nắng cháy hay lạnh căm căm, cứ cuối tuần là về quê, bởi với Hiền, nơi ấy có cha mẹ, có các con đang mong ngóng.
Công việc ca kíp của một công nhân nhà máy sợi không cho phép Hiền chăm sóc con chu đáo, nên cô đành phải gửi con về cho ông bà chăm sóc.
Chồng của Hiền cũng là công nhân nhuộm. Song, anh đã vào Nam mưu sinh, thỉnh thoảng mới về thăm gia đình, nên mọi công việc gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại đều đổ lên đôi vai bé nhỏ của cô công nhân nhà máy sợi.
Chắt chiu, dành dụm bao năm, vợ chồng Hiền mới mua được mảnh đất, cất được ngôi nhà nhỏ tại Hưng Yên, gần nơi làm việc. Hiền dự định năm nay, sẽ đón đứa lớn đang học lớp 4 về ở cùng mẹ để bảo ban học tập, chăm sóc. Nhưng sắp xếp công việc ca kíp thế nào, để tiện cho cả mẹ và con, Hiền nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Câu chuyện của Hiền cũng là nỗi lòng chung của nhiều lao động nữ đặc biệt lao động trong ngành dệt may hiện nay.
Nữ công nhân dệt may đối diện với nhiều bất lợi
Chia sẻ về những những khó khăn của các nữ công nhân trong nhà máy, bà Đàm Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3, cho biết, do đặc thù công việc, các lao động nữ thường phải làm việc vào ca chiều hay ca đêm, nên việc chăm sóc gia đình, con cái có nhiều hạn chế. Phần lớn trong số họ phải chịu thiệu thòi xa con, xa gia đình.
Bên cạnh đó, phần lớn các lao động nữ đều ở trình độ phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, nên nhận thức của họ cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc, đến nhận thức, thăng tiến và cả các chính sách bình đẳng giới trong công ty nói riêng và ngoài xã hội nói chung. Đây là một trong những vấn đề hạn chế của các lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ di cư hiện nay.
Từ góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện tư vấn về An sinh xã hội và Nghề công tác xã hội, cho biết, lao động nữ trong ngành dệt may hiện phải đối diện với không ít bất lợi.
So với các ngành lao động khác, ngành dệt may có thời gian làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập ít hơn. Tính bình quân trong năm 2018, lương bình quân ngành dệt may là 5.340.000 đồng, bằng 89% so với các ngành công nghiệp khác. Điều đáng nói là thu nhập của lao động nữ chỉ bằng 88% so với lao động nam, trong khi tỉ lệ lao động nữ trong ngành dệt may lên tới 80%, nên trong cuộc sống, các chị em gặp nhiều khó khăn.
Bình quân số năm làm việc trong ngành rất thấp, chỉ khoảng 5 năm kéo theo đó là thâm niên làm việc ngắn. Tỉ lệ lao động trong ngành dệt may trên 35 tuổi chưa đến 20%. Điều này ảnh hưởng không ít đến các chính sách tiền lương, bảo hiểm của lao động nữ trong ngành dệt may.
Dù không có sự phân biệt, song những rào cản mặc định về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, các dịch vụ xã hội… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nữ lao động ngành dệt may, đặc biệt là nhóm lao động di cư.
Nếu giải quyết được những khó khăn này, các nữ công nhân ngành dệt sẽ tham gia được tích cực hơn chuỗi sản xuất của doanh nghiệp trong nước và vươn ra toàn cầu.