pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ điều dưỡng “mũ nồi xanh” biến nỗi nhớ nhà thành việc làm nhân ái
Điều dưỡng Bùi Thị Thuý Hằng bên những đứa trẻ ở Nam Sudan
Phát hiện ra mình có nhiều tài lẻ khi đi gìn giữ hòa bình
Tôi kết nối với chị Bùi Thị Thúy Hằng, điều dưỡng viên ở khoa Nội truyền nhiễm, Bệnh viện dã chiến 2.4, vào giờ nghỉ sau ca trực. Dù đang giờ nghỉ, nhưng chị vẫn cắm cúi bên chiếc máy may cũ của đơn vị, chị cười bảo: "Tôi đang tranh thủ may mấy cái gối kê đầu cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm dưỡng bệnh".
Công việc hàng ngày của chị Hằng là cùng đồng đội điều trị cho các bệnh nhân bị sốt rét, tiêu chảy… Chị bảo: "Vì chiến tranh loạn lạc, nên những phụ nữ, trẻ em đều phải chịu thiệt thòi, không được đi học, trình độ dân trí thấp. Cái ăn, cái mặc cũng thiếu thốn mọi bề, nhất là khi họ đau ốm. Nhìn họ, tôi lại nhớ đến các con mình ở nhà, tôi càng muốn cùng đồng đội chia sẻ, động viên, giúp đỡ những người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em ở đây vượt qua khó khăn".
Ngoài giờ làm việc, chị Hằng thường đi bộ quanh đơn vị, gặp những người dân bản địa, có khi thấy họ không biết trồng rau. Họ thấy vườn rau của đơn vị trồng xanh mướt, nhìn rất đẹp mắt, họ cũng xin bộ đội Hằng rau để về ăn thử. Thậm chí, họ còn lúng túng không biết nấu rau như thế nào để ăn. Vậy là chị lại hướng dẫn họ cách nấu từng loại rau, cách trồng rau.
Điều dưỡng Hằng cho biết: "Ở đây là vùng đất đỏ, chỉ cần chút gió là có thể bụi mù. Nắng ngày nào cũng bỏng rát, nên việc trồng được rau xanh không phải dễ. Song tôi vẫn cùng người dân đem giống rau giúp họ làm luống, rồi gieo trồng. Thời gian đầu, để cây rau nảy mầm, tôi thường xuyên đi tưới và chăm sóc giúp họ. Chỉ đến khi rau đã lên xanh ổn định, họ cũng biết trồng, biết chăm sóc vườn rau, thì mình mới tạm buông tay".
"Dường như khi đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, tôi mới phát hiện ra mình có nhiều tài lẻ đến thế. Để với đi nỗi nhớ nhà, nên mỗi khi có thời gian, tôi lại tỉ mỉ ngồi vẽ tranh theo tưởng tượng, làm hoa giả, may vá, tham gia văn nghệ, làm trang trí phông chữ trong các dịp lễ rồi đi tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo" – chị Hằng chia sẻ.
Chọn ngành y vì những câu chuyện thời chiến bố kể
Trước khi sang Nam Sudan tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình, chị Thúy Hằng công tác tại Bệnh viện Quân y 4 – Cục hậu cần Quân khu 4, đến nay đã 10 tháng xa nhà. "Lúc mới sang đây, tôi nhớ nhà lắm. Lần đầu tiên đi xa đằng đẵng như thế. Do mạng kém, nên lúc gọi điện về thì nghe tiếng được, tiếng mất, hầu như tôi đều cố nhìn khẩu hình của người thân rồi tự đoán"- chị Hằng kể.
Chị Thúy Hằng cho tôi xem 2 tấm hình được lồng trong khung ảnh nhỏ, đặt cạnh đầu giường, chị cười nói: "Mỗi lúc nhớ nhà, tôi đều ngắm 2 tấm hình này. 2 con trai tôi năm nay học cuối cấp, đều chuẩn bị lên cấp 2 và cấp 3. Hiện các con tôi đang ở quê nhà Nghệ An cùng với ông bà ngoại và cậu mợ".
Chị Hằng cho biết, chị đi công tác xa, chồng chị làm tại Hà Nội, nên chị cũng khá sốt ruột khi các con đều đang ở độ tuổi cần bố mẹ hướng dẫn, chia sẻ tâm lý, nhất là lúc này các con đang nỗ lực học ôn để chuẩn bị thi chuyển cấp. "Bên này lệch múi giờ so với ở Việt Nam, nên nhiều lúc tôi muốn nhắc nhở các con cũng khó. May là có ông bà và cậu mợ ở nhà giúp vợ chồng tôi đưa đón 2 con đi học và động viên, chỉ bảo tận tình".
Chị Thúy Hằng tự hào khoe: "Gia đình tôi đều là quân nhân. Bố đẻ, bố mẹ chồng cũng là bộ đội và trải qua nhiều chiến trường, nên rất cảm thông và luôn động viên, tạo điều kiện để vợ chồng tôi phấn đấu. Tôi đi bộ đội và chọn ngành y cũng nhờ những câu chuyện bố tôi kể lại những ngày tháng ở chiến trường chiến đấu dưới bom đạn. Bố tôi bảo, chiến tranh đồng đội bố bị thương vong rất nhiều, rất cần những người biết chữa lành các vết thương của đồng đội, của những người dân ở những nơi chúng ta có mặt".
Chị tâm sự: "Đặc biệt, chồng tôi cũng là người tâm lý, rất hiểu vợ. Anh luôn tranh thủ điện thoại động viên tôi. Khi không điện thoại được, do bận công việc hoặc lệch múi giờ, anh lại nhắn tin để tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà và yên tâm công tác".
Với chị Thúy Hằng, ngoài được lãnh đạo đơn vị, các anh chị em đồng đội ghi nhận, chị còn được rất nhiều bệnh nhân và người dân dành tình cảm yêu mến. "Tôi làm tất cả mọi việc đều xuất phát từ trái tim. Tôi thực sự vui và hạnh phúc khi luôn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Chắc chắn, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, thì những trải nghiệm khó quên của người lính chúng tôi khi đi gìn giữ hòa bình sẽ càng dày thêm mỗi ngày" – điều dưỡng Hằng tâm sự.
Trong tháng 3, Tổ Phụ nữ Bệnh viện dã chiến 2.4 đã phát động Cuộc vận động "Cán bộ phụ nữ BVDC2.4 rèn luyện, phấn đấu xây dựng người phụ nữ thời kỳ mới: trí tuệ, bản lĩnh, kỷ cương, nhân ái", nhằm phát huy và tăng cường vai trò của phụ nữ trong các mặt công tác của Bệnh viện, cũng như quảng bá hình ảnh phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tổ phụ nữ cũng tham gia hoạt động thiện nguyện khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho nhân dân địa phương tại Bệnh viện đa khoa Bentiu, bang Unity tại địa phương.