pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ doanh nhân lưu ý gì khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Hoàng Ngân (sáng lập và điều hành Công ty TNHH UpBe - công ty chuyên sản xuất đồ dùng, đồ thủ công từ xơ dừa và các chất liệu từ thiên nhiên như lục bình, xơ mướp) chia sẻ, động lực để chị sản xuất và xất khẩu sản phẩm ra nước ngoài là mong muốn đưa sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống gần như đã bị mai một tại Việt Nam đến với nhiều quốc gia. Đồng thời, giúp chị em phụ nữ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có công việc đơn giản nhẹ nhàng, có thể nhận về nhà làm, đảm bảo được thời gian cho bản thân, chăm sóc gia đình và thu nhập ổn định.
Cũng với mong muốn đưa dòng sản phẩm cà phê "made in Vietnam" vào sân chơi quốc tế, chị Trịnh Thị Bích Thảo (sáng lập thương hiệu Anni Coffee) đã chuẩn bị đầy đủ hành trang để sản phẩm của mình được Amazon chấp thuận cho lên sàn từ tháng 8/2016. Chị Thảo chia sẻ: Tính đến thời điểm này, Anni Coffee đã nhận được nhiều phản hồi tốt của khách hàng tại Mỹ và châu Âu thông qua công cụ đánh giá và nhận xét sản phẩm sau khi trải nghiệm sản phẩm trên hệ thống Amazon.
Với kinh nghiệm nhiều năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chị Bích Thảo hiểu rõ được những khó khăn và thuận lợi. Khi Anni Coffee bán hàng trên Amazon, giá bán cao gấp 3 lần giá trong nước, khẳng định được chất lượng và uy tín của cà phê Việt. Song, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn. Cụ thể là sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vì là sân chơi mới nên doanh nghiệp chưa hiểu rõ thuật toán trên sàn Amazon và chưa có sự am hiểu thị trường quốc tế, phân khúc khách hàng để khai thác tối ưu hoạt động marketing. Vì vậy, chị Bích Thảo đưa ra lời khuyên: Để đưa hàng lên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cực kỳ khắt khe, doanh nghiệp phải đầu tư thật bài bản vì sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu mạnh trên toàn thế giới, là sân chơi quốc tế chứ không phải "ao làng".
Tại Hội thảo hỗ trợ kỹ thuật "APEC: Hỗ trợ Doanh nhân nữ Việt Nam trong thương mại điện tử xuyên biên giới" (trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC, diễn ra ngày 19 & 21/1/2022), đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) thông tin: Các doanh nhân nữ vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động thương mại điện tử, trong đó nổi bật là các vấn đề về tiếp cận tài chính, thanh toán điện tử, giao - nhận, hải quan… Các doanh nghiệp này cũng có nhiều hạn chế về khả năng và gặp nhiều khó khăn, rào cản trong kết nối kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ.
Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ trong thương mại điện tử đã được chú trọng lồng ghép trong các chính sách chung về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách về phát triển thương mại điện tử. Tiêu biểu như: Tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung. Doanh nhân nữ sẽ được hỗ trợ 100% hoặc một phần chi phí để tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế.
Nhận thấy những tiềm năng của kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như: Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), VP Bank, Visa… để tổ chức xây dựng "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" trên sàn thương mại điện tử JD.com.
Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên "Gian hàng Quốc gia Việt Nam" theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Dù phải đương đầu với nhiều thách thức nhưng với thời gian, sự quyết tâm và đồng hành của nhiều cơ quan, tổ chức sẽ tạo động lực để các nữ doanh nhân vươn ra "biển lớn".