Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Trần Lê
13/06/2023 - 22:00
Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Chị Hoàng Bích Ngọc đã mạnh dạn khởi nghiệp với chuỗi nông sản nông nghiệp bền vững

Là hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ đầu tiên của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, HTX Nà Pái mang đến cuộc sống ấm no cho phụ nữ dân tộc, phụ nữ nghèo thiểu số tại địa phương.

Huyện Bình Gia là huyện khó khăn và những người phụ nữ luôn luôn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Là chi hội trưởng chi hội thôn, chị Hoàng Bích Ngọc đã mạnh dạn khởi nghiệp với chuỗi nông sản nông nghiệp bền vững giúp các hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và tiêu thụ sản phẩm giúp bà con nông dân trong thôn.

Hiện nay, chị đang xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi và dược liệu tán hồi với mong muốn đưa HTX trở thành HTX đầu tiên do phụ nữ dân tộc thiểu số xuất khẩu hoa hồi. Không ngừng nỗ lực để vươn lên, chị Bích Ngọc không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn có nhiều dự án giúp cho phụ nữ cận nghèo, phụ nữ nghèo thoát nghèo.

Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chị Hoàng Bích Ngọc đã mạnh dạn khởi nghiệp với chuỗi nông sản nông nghiệp bền vững

- Là HTX do phụ nữ làm chủ, HTX nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái có điểm gì khác biệt?

Chị Hoàng Bích Ngọc: Thế mạnh của HTX là sản xuất các mặt hàng nông lâm sản đặc biệt là trồng rừng, chăn nuôi nông sản bằng những nguồn tài nguyên bản địa. Điểm khác biệt của chúng tôi là có nhiều sản phẩm hữu cơ chăn thả tự nhiên, hỗ trợ con giống và thuốc thú y cho 30 hộ cận nghèo, hướng dẫn các thành viên cách nuôi trồng nghiêm ngặt và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX cũng thường xuyên tuyên truyền văn hóa văn nghệ thể dục thể thao và tổ chức trải nghiệm thăm quan mô hình chăn nuôi, trồng rừng của nhau để chia sẻ kinh nghiệm.

- Bản thân chị cũng là một phụ nữ khởi nghiệp, chị có thể chia sẻ gì về chặng đường vừa đi qua?

Chị Hoàng Bích Ngọc: Khi khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân tôi là phụ nữ dân tộc nên chưa mạnh dạn tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội, tiếp cận các lớp học mà chỉ biết lao đầu làm cật lực bằng tay chân. Khi tôi có mong muốn khởi nghiệp, không ít người ngăn cản, bảo với tôi: "Phụ nữ thì khởi nghiệp cái gì, đàn bà chỉ có chăm con, làm ruộng làm nương thôi, không có đi làm kinh tế gì cả".

Nhưng tôi vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Giai đoạn trước khi thành lập HTX, tôi đã có 5 năm thất bại với các mô hình chăn nuôi vì chưa có kinh nghiệm. Tôi cũng không xác định được mục tiêu và mục đích để vạch ra định hướng làm kinh tế. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không ít đến công việc kinh doanh.

Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Tiêu chí của HTX là giữ gìn tài nguyên bản địa, bảo vệ môi trường

- Chị đã vượt qua khó khăn và những giới hạn đó như thế nào?

Chị Hoàng Bích Ngọc: Trên con đường khởi nghiệp, tôi được tham gia lớp khởi nghiệp khởi sự kinh doanh do Hội LHPN huyện, cấp tỉnh và TƯ Hội LHPN tổ chức. Qua những khóa tập huấn này, tôi được tiếp cận với các kiến thức kinh doanh, được các thầy cô giáo chỉ cho định hướng để phát triển kinh tế. Từ đó, tôi xác định được mục đích và kế hoạch cụ thể cần triển khai những dự án gì để có lợi ích và hiệu quả kinh tế. Tôi cũng được học các cách tính chi phí chi tiêu, cách tính toán, hạch toán kinh doanh.

Cùng với kiến thức, tôi còn nhận được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện để phát triển ý tưởng khởi nghiệp, thành lập HTX và tham dự các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh. Từ đó, những sản phẩm HTX làm ra như như nho, thạch đen, thịt lợn rừng, lợn mán… được rất nhiều người biết đến và ủng hộ.

Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Các khóa tập huấn giúp phụ nữ khởi nghiệp có thêm kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế

- Trong thời công nghệ số hiện nay, HTX đã có những bước "chuyển mình" như thế nào để đáp ứng với tình hình mới?

Chị Hoàng Bích Ngọc: Trong thời kỳ chuyển đổi công nghệ số, thật may mắn khi HTX đã được tham dự các chương trình tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh. HTX cũng bắt đầu hướng tới xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh Lạng Sơn là hoa hồi. Đến năm 2022, tôi đã áp dụng thêm chính sách mới là HTX trồng cả dược liệu vừa để bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên bản địa, vừa mang hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nữ giám đốc hợp tác xã tiếp lửa cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Chị Hoàng Bích Ngọc đã tiếp lửa cho phụ nữ địa phương mạnh dạn phát triển kinh tế

Từ những người nông dân không có ai biết đến máy tính, công nghệ, chúng tôi đã tham gia các chương trình tập huấn. Hiện tại HTX đã có trên google map và những trang fanpage riêng của HTX, có kênh Tiktok… HTX cũng là 1 trong 4 dự án điểm của tỉnh Lạng Sơn trong khởi nghiệp, chất tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số và người yếu thế.

Chúng tôi đồng lòng chung sức xây dựng, phát triển HTX giúp chị em phụ nữ tại địa phương phát triển kinh tế.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Thông tin liên hệ:

HTX nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái, xã Tân Văn, Huyện Bình Gia, Tỉnh Lạng Sơn. ĐT: 097 723 51 50

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm