Nữ lao động giúp việc gia đình có thể thu nhập 30 triệu đồng/tháng

22/11/2018 - 11:56
Nhu cầu lao động làm việc giản đơn như giúp việc gia đình, thu gom rác thải, công nhân… ngày càng tăng cao tại các đô thị lớn. Cùng với đó là thu nhập của những lao động di cư nơi thành phố cũng ngày một tăng cao hơn.

Tại Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu đóng góp của lao động di cư trong nước vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD và Mạng lưới hành động vì lao động di cư – M.net tổ chức mới đây, TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, cho rằng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều phụ nữ phải rời bỏ quê hương di cư đi làm ăn xa để có tiền cho con cái được học hành, cha mẹ già có tiền chữa bệnh.

Bà Ngọc Anh cho biết thêm, nhiều lao động di cư làm ở những ngành nghề giản đơn nhưng có mức thu nhập rất cao. Qua khảo sát thực tế, có chị em làm giúp việc gia đình đạt mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Để đạt được mức thu nhập cao ngất ngưởng này, lao động giúp việc gia đình theo giờ quần quật từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, mà không có ngày nghỉ.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên gia nghiên cứu giới, cho biết: Tùy thuộc vào từng công việc của lao động di cư, họ có mức thu nhập trung bình dao động từ 4 triệu đến 10 triệu đồng/tháng.

lao-dong-nu-di-cu.jpg
Phần lớn nữ lao động di cư phải sống trong điều kiện eo hẹp, khó khăn

 

Những năm qua, thu nhập của lao động di cư đang có xu hướng ngày càng tăng dần theo thời gian di cư; qua đó giúp cho người di cư và gia đình trang trải được các chi phí sinh hoạt và dần cải thiện được điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình.   

Lao động di cư đáp ứng nguồn nhân lực giản đơn ở khu vực đô thị đang có nhu cầu rất lớn ở các ngành nghề như giúp việc, thu gom rác, công nhân… trong khi nguồn lao động ở thành thị lại không đủ. Cùng với đó, chính lao động di cư cũng đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế tại địa phương nơi nhập cư.

Sản lượng tiêu dùng của địa phương cũng được tăng cao bởi một phần tiền lương của lao động di cư dùng chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày như thực phẩm, nhà trọ…

Mặc dù vậy, theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, đại đa số lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đến nơi ở mới lạ lẫm về văn hóa, phong tục tập quán, họ gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả mưu sinh, bị kỳ thị ở phố thị.

kham-benh-mien-phi-cho-lao-dong-nu-di-cu-1.jpg
Hoạt động tuyên truyền, phát tờ rơi chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ di cư

 

Thực tế hiện nay, các dịch vụ công, chính sách an sinh xã hội đã khá đầy đủ, quy định rõ ràng người di cư được hưởng bình đẳng như những công dân khác, nhưng với phụ nữ di cư họ vẫn phải chịu sự thiệt thòi, bất công. Đơn cử như tiền điện phải trả giá cao, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Con cái của họ còn nhỏ vẫn phải đi theo bố mẹ vào các khu công nghiệp, phải sống trong các khu nhà trọ tồi tàn; thậm chí, cũng không có nhà trẻ đủ tiêu chuẩn để con em họ được hưởng sự chăm sóc, giáo dục tốt... 

Theo thống kê, số người lao động di cư trong nước tăng mạnh, cụ thể có 4,5 triệu lao động di cư từ năm 1994 – 1999; số này đã tăng lên 6,6 triệu người  trong năm 2004 – 2009. Đến năm 2015, có tới 13,6% dân số cả nước là người di cư. Thực tế hiện nay, di cư trong nước đang có xu hướng nữ hóa – số lao động nữ di cư ngày càng tăng cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm