pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ nhà báo xứ Quảng thành công khi dấn thân vào những đề tài gai góc
Nhà báo Lê Thị Diễm Lệ trong một chuyến thiện nguyện xã hội đến với trẻ em nghèo miền núi Quảng Nam
Đây là cuộc thi nhằm đưa thông tin về chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân rộng rãi hơn qua các tác phẩm báo chí của tất cả các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh viết về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở Quảng Nam. Từng có thâm niên 10 năm theo dõi mảng BHXH, BHYT tại báo Quảng Nam, nhà báo Diễm Lệ đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực này.
Để viết bài sâu hơn, hiệu quả hơn, chị từng phải cất công, bỏ thời gian tìm hiểu, đọc tất cả các quy định liên quan đến mảng này. Từ những kinh nghiệm của bản thân, nữ nhà báo luôn tìm cách diễn đạt sao cho gần gũi, dễ hiểu. Nhà báo Diễm Lệ tiết lộ, chị đã thực hiện một đề tài chuyên sâu theo hướng chuyên đề về vấn đề nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh khiến cho nhiều người lao động phải vất vả chạy đôn chạy đáo xin giải quyết chế độ. Mặc dù vậy, chế độ của họ không thể được giải quyết khi doanh nghiệp để nợ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ. Kết quả, nhà báo Diễm Lệ đã giành giải Nhất với đề tài chuyên sâu mang tên "Nợ bảo hiểm xã hội: Nỗi lo trên vai người lao động" gồm 4 kỳ: Gian truân đi đòi quyền lợi; Mất trắng vì doanh nghiệp phá sản; Ngán nợ chây ì; Xử lý còn nhẹ.
Có được bước tiến trong nghề cũng như đạt được sự ghi nhận của các đồng nghiệp, nhà báo Diễm Lệ không quên những ngày tháng mới bước vào nghề. Sau khi mới ra trường, chị từng có 2 năm công tác ở TPHCM, tại tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng. Nơi đây đã rèn cho nhà báo Diễm Lệ cách tác nghiệp năng động, hiện đại và chị cũng được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ rất nhiều người anh, người chị trong nghề. Đó chính là vốn quý cho chị khi mới vào nghề và luôn là những bài học để nhà báo Diễm Lệ ứng dụng trong cuộc đời làm báo của mình. Khi trở về quê hương, công tác tại báo Quảng Nam, nhà báo Diễm Lệ lại tiếp tục được tôi rèn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp với những nhà báo lão làng và chị học hỏi được rất nhiều điều quý giá.
Hơn 10 năm lăn lộn với nghề, dù vất vả, gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình yêu dành cho sự nghiệp viết lách của nhà báo Diễm Lệ không hề thay đổi. Chị tâm sự, để tồn tại được với nghề, ngoài sự hỗ trợ từ cơ quan, đồng nghiệp, các đơn vị, địa phương trong tác nghiệp, chị luôn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất để chị có thể hoàn thành tốt công việc mà cấp trên giao phó. Nhà báo Diễm Lệ chia sẻ: "Nghề báo là phải đi thì mới có tư liệu để viết, tiếp xúc nhiều thành phần trong xã hội, nên thời gian tôi dành cho nghề có lẽ nhiều hơn dành cho gia đình. Nhưng cha mẹ, chồng con hiểu điều đó, nên rất thông cảm và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tôi hoàn thành nhiệm vụ".
Hiện tại, nhà báo Diễm Lệ sống cùng gia đình của mình ở một làng quê yên bình của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, với những vườn cây trái, những ngõ đá, bờ chè tàu rất đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng. Nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ làm báo sẽ vất vả, phải chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Tuy nhiên, nhà báo Diễm Lệ lại không hoàn toàn cho là vậy. Theo chị, riêng trong lĩnh vực báo chí, phụ nữ tuy có thiệt thòi nhưng cũng có những lợi thế mà nam giới không thể có được, nhất là khi cần sự mềm dẻo, khéo léo.
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), nhà báo Diễm Lệ tâm sự, chị yêu nghề báo và chọn nghề này từ khi còn học bậc THPT. Hơn 1 thập kỷ lăn lộn với nghề, nhà báo Diễm Lệ không bao giờ cảm thấy hối tiếc và luôn cho rằng mình đã chọn đúng lối đi cho bản thân. Với tình yêu thủy chung dành cho nghề báo, cộng với tinh thần chăm chỉ học hỏi, cầu tiến, mong rằng nhà báo Diễm Lệ sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.