pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ nhân viên bị sa thải tâm sự về góc khuất của lao động Mỹ
Cuộc nói chuyện kéo dài chưa đầy năm phút. Sau bốn tháng làm việc từ xa vì đại dịch (lúc bấy giờ vẫn là một vấn đề lớn trên toàn cầu), sếp nhẹ nhàng giải thích rằng công ty không cần vị trí trợ lý lễ tân nữa. Tôi, chính thức thất nghiệp.
Dễ hiểu mà. Không cần phải là một nhà kinh tế học bạn cũng biết nhân viên lễ tân sẽ không làm gì nhiều nếu không có văn phòng đón tiếp khách. Tôi đã lường trước viễn cảnh này, tuy nhiên, khi nhận tin, tôi vẫn không thấy sự nặng nề vơi bớt. Ngay cả khi các dấu hiệu đã quá rõ ràng, bị cho thôi việc vẫn làm tôi có cảm giác ruột đau thắt lại.
Tôi hai mươi sáu tuổi, là kẻ đã từ bỏ đủ thứ trên đời, đủ nhiều để có “kinh nghiệm” nói lời chia tay một cách tế nhị. Tôi gửi một email đến văn phòng ở New York, bày tỏ biết ơn và sự lạc quan về tương lai. Bức thư thân mật, không cầu kỳ, kiểu cách. Nhưng tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp ngầm: mình vẫn sống tốt nếu không có họ!
Tôi nhấn nút gửi.
Đến thứ Ba, có vài tin nhắn phản hồi. Một đồng nghiệp bảo tôi thử tìm việc ở một số trang tuyển dụng nổi tiếng, người khác kết nối tôi với vài người bạn làm nghề viết quảng cáo. Một số chỉ đơn giản nói cảm ơn, và ước mọi chuyện không diễn ra như vậy. Nhưng tin nhắn từ người tôi thân thiết nhất trong công ty lại không nằm trong hộp thư đến. Những người ngày nào cũng ghé qua bàn tôi “tám chuyện” mỗi ngày đâu? Những biên tập viên nhờ tôi nhận hàng giúp đâu? Còn người sếp khác mà lúc nào cũng nói văn phòng như “gia đình”, sao anh không gửi mail cho tôi?
Vì sao tôi lại bận tâm đến lời chia tay của người khác?
Chúng ta đang sống và lao động trong một xã hội ưu tiên công việc hơn mọi giá trị khác. Công việc trở thành công cụ định danh bạn. Ở các tập đoàn Mỹ, tinh thần “đặt công việc lên hàng đầu” được tán dương và trao thưởng.
Tôi cứ ngỡ mình đã né được vòng quay không điểm dừng đó. Nhưng không thể, tôi cũng giống bao người, phải trả hóa đơn hằng tháng. Khi bị sa thải, thứ giúp tôi định nghĩa cuộc sống biến mất, đột nhiên tôi không còn biết mình là ai, mục đích của tôi là gì.
Chúng ta biết cần làm gì khi một người qua đời. Đó có thể là tổ chức tang lễ, bày tỏ lòng kính trọng, gửi hoa, nói lời từ biệt. Khi một cặp đôi ly hôn, chúng ta an ủi, hoặc giới thiệu ai đó cho họ. Nhưng dường như chẳng ai biết phải làm gì khi sếp sa thải đồng nghiệp. Thật ra, họ không có trách nhiệm phải an ủi ta, nhất là khi ai cũng đang gồng mình làm việc, sống qua ngày bằng cách trả hết các khoản nợ, tiền thuê nhà, hóa đơn.
Nhưng sa thải là một phần trong cuộc sống của người Mỹ. Và theo kinh nghiệm của tôi, có lẽ ta cần một cuộc thảo luận về nghi thức sa thải nhân viên. Ta cần nghĩ đến việc làm gì để đối diện với sự rời đi của đồng nghiệp một cách thoải mái nhất. Bởi sự im lặng từ những người đồng nghiệp ở công ty dễ làm một người rơi vào một khoảng không vô định, ta thấy như bị chối bỏ.
Với một số cá nhân, đồng nghiệp là những người mà ta chỉ tương tác, nói chuyện cùng trong môi trường công việc, vì thế kết nối với họ bên ngoài xã hội nghe có vẻ không cần thiết, và lời chia tay khi họ bị sa thải đôi khi khá khó xử. Nhưng theo tôi, khó xử không có nghĩa là khó nói.
Bắt đầu từ đâu để lời chia tay bớt khó xử?
Muốn tạo ra văn hóa làm việc nhân văn hơn, hãy bắt đầu từ cách chúng ta đối xử với nhau. Damien Birkel, người sáng lập Professionals in Transition, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp tài nguyên và hỗ trợ nhóm người thất nghiệp, thừa nhận rằng: “Liên hệ với đồng nghiệp có thể vừa đáng sợ vừa khó xử. Khi bạn can đảm nhấc điện thoại lên gọi, bạn có thể chỉ nằm trong 1% đồng nghiệp đã liên hệ và gửi lời chúc tới họ”.
Vì bạn sẽ không bao giờ biết họ đã trải qua những gì trong quá trình trước, trong và sau khi bị sa thải, nên tôi nghĩ bạn không nhất thiết phải gọi điện, chỉ cần gửi tin nhắn hoặc email. Hướng đến từ ngữ ân cần, cảm thông nhưng cũng ngắn gọn, vừa phải. Tùy vào mức độ thân thiết và vị trí cấp bậc, bạn có thể tập trung vào một số cách viết gợi ý sau:
- Để đồng nghiệp biết bạn trân trọng khoảng thời gian làm việc với họ.
- Viết thư giới thiệu hoặc góp ý, chỉnh sửa cho hồ sơ làm việc của họ.
- Kết nối họ với những người trong mạng lưới của bạn.
Với đồng nghiệp thân, hãy thể hiện là bạn vẫn muốn kết nối với họ về sau. Đó cũng là những gì Diana Bernal O'Leary, một nhà tư vấn tìm kiếm việc làm và là người dẫn chương trình podcast Job Talk Weekly, gợi ý. “Đề nghị hỗ trợ, sau đó chủ động và bắt chuyện lại sau 2-3 tuần. Đến lúc đó, đồng nghiệp của bạn sẽ có thời gian điều chỉnh và bắt đầu suy nghĩ về các bước tiếp theo. Họ có thể từ từ đón nhận sự giúp đỡ từ bạn hơn.” Ít nhất hãy cho họ thấy bạn chưa bao giờ quên họ.
Một số chuyên gia tuyển dụng nhân sự cũng khuyên bạn nên gửi cho đồng nghiệp cũ của một món quà nhỏ để thể hiện sự trân trọng và cống hiến của họ trong công việc. Không cần thứ gì quá to tát, ví dụ một voucher mua nước thôi cũng được.
Nếu bạn muốn giúp họ nâng cao kỹ năng, thử nghĩ đến món quà cá nhân hóa hơn, ví dụ như một khóa học thiết kế, khóa học viết. Nhưng cử chỉ tử tế này, tuy nhỏ nhoi, nhưng cũng giúp ích cho ai đó rất nhiều, đủ để họ tự tin tiến về phía trước.
Ngoài ra, bạn có thể trải qua một chút “cảm giác tội lỗi của người sống sót” (survivor guilt). Đây là thuật ngữ mô tả những người sống sót sau một sự kiện thảm khốc, họ cho rằng việc mình còn sống là không công bằng với người đã ra đi, và họ có trách nhiệm với người đã mất.
Trong môi trường doanh nghiệp khốc liệt, nếu may mắn “sống sót” qua một làn sóng sa thải hàng loạt khủng khiếp, một số người cũng có cảm giác tội lỗi với người đã bị cho “bay màu”. Tuy nhiên, nếu bạn có suy nghĩ nặng nề này thì cũng hoàn toàn bình thường. Hãy nhớ rằng đây không phải lỗi của bạn, bạn không cần cảm thấy tội lỗi.
Ngoài ra, sự ra đi của người khác cũng dễ khiến bạn lo lắng khi nào thì người tiếp theo là mình, hãy chủ động giải quyết những cảm xúc đó, tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát, như sửa lại CV xin việc, phát triển kỹ năng mới, từng bước bạn sẽ trở thành một nhân viên (hoặc ứng viên) toàn diện hơn.
Đối xử với đồng nghiệp một cách lịch thiệp, tử tế, ngay cả khi họ không còn là đồng nghiệp có thể có lợi cho văn hóa công ty. Nhưng rõ ràng, đây không phải tiêu chuẩn ở hầu hết doanh nghiệp.
Chúng ta được dạy là hãy hạn chế nói về chính trị và cuộc sống cá nhân tại chỗ làm. Khi một đồng nghiệp bị sa thải, thật khó để không đề cập đến hai chủ đề trên, bởi lúc này cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng bởi công việc, còn công việc bị ảnh hưởng các quyết định liên quan đến chính trị và kinh tế. Chúng ta co rúm lại khi nghĩ đến cảm giác khó xử khi nói chuyện với đồng nghiệp vừa bị sa thải, nên ta quyết định “không nói gì còn hơn”.
Thực tế là bạn không cần hết mình với những người trong vòng tròn xã hội của bạn, nhưng gửi một lời tạm biệt ngắn cho người bạn dành 40 tiếng 1 tuần làm việc cùng là không quá khó (trừ khi cả hai có nhiều bất đồng, xích mích tại nơi làm). Bằng cách liên hệ và chia sẻ, bạn có thể tạo giúp ai đó gói ghém cảm xúc và chuẩn bị cho một sự rời đi yên bình, suôn sẻ hơn. Biết đâu, chính bạn khi nghỉ việc cũng sẽ nhận được những lời động viên, khích lệ và giúp đỡ chân thành nhất.
Bài viết được thực hiện bởi Scarlett, biên kịch, người viết kịch, một cây bút tự do sống tại Brooklyn.