Nữ nhiếp ảnh gia Đức dùng nghệ thuật chiến đấu chống biến đổi khí hậu

09/07/2019 - 15:49
Sinh năm 1964 và bắt đầu sự nghiệp từ năm 1992, nhiếp ảnh gia người Đức Barbara Dombrowski đã dày công nghiên cứu những nơi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đời sống dân cư bản địa. Những tác phẩm sắp đặt đầy dung dị và tương tác giữa con người và thiên nhiên đang bị tàn phá của cô là hồi chuông cảnh tỉnh sự chung tay bảo vệ mẹ tự nhiên.
Những hình ảnh tác động mạnh đến thị giác
 
barbara-dombrowski-1.jpg
Nhiếp ảnh gia người Đức Barbara Dombrowski

  

Một tảng băng ở phía Đông Greenland. Phía trước nó, ta nhìn thấy gương mặt của những người bản địa ở rừng nhiệt đới. Nước đá phản chiếu gương mặt họ. Cảnh tượng khác lạ này được ghi lại trong một bức ảnh, nhìn thì có vẻ giả tạo những vẫn ám ảnh trĩu nặng tâm trí người xem. Bức ảnh nằm trong triển lãm “Băng nhiệt đới” (Tropic Ice) của nhiếp ảnh gia người Đức Barbara Dombrowski. Cô đã chụp ảnh các nhân vật ở một nơi, sau đó in bức ảnh đó ở nơi khác, rồi chụp lại hình ảnh ấy. “Băng nhiệt đới” vì vậy thể hiện con người ở hai vùng khí hậu khác nhau, thậm chí không thể khác hơn được nữa: Đảo băng Greenland và rừng nhiệt đới Amazon.  Trong nhiều năm, cô đã để chụp ảnh biến đổi khí hậu với tác động thị giác lớn nhất đối với công chúng.
barbara-dombrowski-6.jpg
Bức ảnh chụp người dân rừng nhiệt đới được đặt trên tảng băng ở Greenland

  

“Tôi chọn những vùng khí hậu cụ thể và những nơi người dân đang sống giữa truyền thống và hiện đại. Sự tồn tại của họ và không gian họ sinh sống đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của thế giới hiện đại và những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của biến đổi khí hậu”, cô Dombrowski chia sẻ.
 
Cô Dombrowski muốn giúp những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi khủng hoảng khí hậu được cất lên tiếng nói của mình. Cô tham gia vào cuộc sống hàng ngày của họ, dành thời gian với họ và quan sát thói quen, cách sống của họ. Vì vậy, bà đã chụp được những bức ảnh họ gần gũi với thiên nhiên xung quanh. Dombrowski đã tìm ra cách làm khác biệt, thể hiện con người và hoàn cảnh sống của họ, từ đó xây dựng sự thấu cảm. “Điều duy nhất khiến chúng ta hành động là sự thấu cảm, nghĩ về các hoàn cảnh sống khác nhau, của mình, của người khác và của con cháu mình”, cô nói.
 
Nghệ thuật hỗ trợ khoa học
 
Dombrowski mong muốn khuyến khích đối thoại thông qua nghệ thuật của mình, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và kết nối mọi người từ phương Bắc tới phương Nam cùng hành động. Trong quá trình thực hiện dự án nhiếp ảnh này, những người Greenland nói với Dombrowski về loài cá đã thay đổi lộ trình di cư của chúng hay những con hải cẩu giờ dịch chuyển về định cư ở phương Bắc và mùa đông trở nên ấm áp một cách không bình thường. Greenland là hòn đảo lớn chứa rất nhiều băng nằm tại Bắc Cực và là quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. một trong những thị trấn xa nhất ở cực bắc của thế giới, là một trong những tổn thương đầu tiên của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đã có 2 tỷ tấn băng ở đảo Greenland đã tan chảy trong ngày 13/6/2019. Một lượng băng lớn như vậy tan chảy vào giữa tháng 6 là điều rất bất thường vì "mùa băng tan" của Greenland thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8 và đỉnh điểm thường rơi vào tháng 7. Trong lịch sử, băng vĩnh cửu là nền móng vững chắc cho nhà cửa và cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực. Nhưng khi nhiệt độ ấm dần lên, nền móng này trở nên yếu hơn không thể giúp các ngôi nhà ở đây trụ vững và điều này có thể trở nên nguy hiểm với người dân.
 
barbara-dombrowski-9.jpg
Cô Barbara Dombrowski hòa mình trong cuộc sống của người dân bản địa

  

Người dân bản địa ở Amazon cũng thống kê về những thay đổi trong mưa đá… Rừng rậm nhiệt đới Amazon có diện tích gần 7 triệu km2, trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó phần lớn diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của quốc gia Nam Mỹ này. Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Brazil (INPE) cảnh báo diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại nước này trong tháng 6 vừa qua đã lên tới mức báo động (hơn 762 km2), tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái (488 km2) và lớn gấp 2 lần diện tích của thị trấn Belo Horizonte.
 
barbara-dombrowski-2.jpg
Đi và cảm nhận sự ảnh hưởng do biến đổi khí hậu

  

Những quan sát và ý kiến của người dân cho phép nhiếp ảnh gia 55 tuổi này cảm nhận được tình trạng biến đổi khí hậu khẩn cấp như thế nào. Nhiệm vụ của cô trở nên rõ ràng hơn: “Chúng ta cần làm cho biến đổi khí hậu dễ thấy hơn. Nghệ thuật có thể làm được nhiều việc hơn là cái gì đó đẹp đẹp để ngắm”. Cô Dombrowski cảm thấy mình cần là người đi tiên phong cùng nhiều đồng nghiệp khác vì nghệ thuật có thể hỗ trợ khoa học. Trong khi tình trạng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cô Dombrowski thấy mỗi ngày lại có thêm nhiều lý do để tiếp tục thúc đẩy dự án của mình. Nhiếp ảnh gia mong muốn mở rộng triển lãm ra cả 5 châu lục. Sau “Tropic Ice”, cô thực hiện “Biển sa mạc” (Desert Sea) cho các bức ảnh ở sa mạc Gob phía Nam Mông Cổ “đối thoại” với đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương… “Nghệ thuật có thể không phải cách tiếp cận tốt nhất cho các mục đích giáo dục nhưng nó cho phép mọi người nhìn nhận thực tế theo cách mới. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và dường như chưa thấy điểm kết thúc. Vì thế, mọi người cần hành động”, cô Dombrowski nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm