Nữ phóng viên Nhật Bản thắng kiện gã đàn ông xâm hại mình sau 2 năm kiên trì đấu tranh

Nhu Thụy
21/12/2019 - 10:39
Nữ phóng viên Nhật Bản thắng kiện gã đàn ông xâm hại mình sau 2 năm kiên trì đấu tranh
Sau 2 năm đấu tranh và chịu biết bao tủi nhục, cuối cùng nữ nhà báo Nhật Bản Shiori Ito cũng tìm được công lý cho chính mình. Ngày 18/12/2019, Tòa án Tokyo đã có phán quyết cuối cùng cho vụ tấn công tình dục chấn động: Ông Noriyuki Yamaguchi (53 tuổi) phải trả 3,3 triệu yên (700.000 triệu đồng) cho cô Shiori Ito (30 tuổi), người đã cáo buộc ông ta xâm hại mình khi còn là một thực tập sinh năm 2015.

Chiến thắng chấn động tại tòa án

Trong phán quyết ra ngày 18/12, Tòa án Tokyo đã yêu cầu ông Noriyuki Yamaguchi, người đã liên tục bác bỏ các cáo buộc, phải bồi thường thiệt hại cho cô Shiori Ito và bác bỏ đơn kiện ngược của người đàn ông này. Văn bản của tòa án khẳng định, nữ phóng viên Shiori Ito đã bị cưỡng ép quan hệ tình dục trong tình trạng say rượu và bất tỉnh. Nguyên đơn tiếp tục hoảng loạn và chịu đựng ký ức về cuộc tấn công đó cho đến tận bây giờ.

Nữ phóng viên Nhật Bản phá vỡ bức màn đen tối - Ảnh 1.

Shiori Ito quyết định công khai chi tiết câu chuyện của mình

Vụ kiện gây chú ý ở Nhật Bản và quốc tế vì rất hiếm khi các nạn nhân hiếp dâm tại nước này dũng cảm phá vỡ sự im lặng. Các nạn nhân thường ít trình báo việc họ bị cưỡng hiếp cho cảnh sát và kể cả có làm vậy, kết quả thường không dẫn tới các vụ bắt giữ hay truy tố nào. Với chiến thắng này, Ito tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi trong nhận thức của xã hội Nhật Bản. Cô Shiori Ito giơ cao tấm biển ghi "Chiến thắng" sau khi bản án được tuyên bố và nói "Tôi rất hạnh phúc". "Lúc tôi thức dậy sáng nay, tôi nhận được nhiều tin nhắn ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, nói rằng họ sẽ ở bên tôi dù thế nào đi chăng nữa vì hành động của tôi mang ý nghĩa to lớn", cô chia sẻ với truyền thông.

Phóng viên Ito trở thành một biểu tượng của phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) ở Nhật Bản. Cô kể câu chuyện của mình với mong muốn phá vỡ sự im lặng trước vấn đề xâm hại tình dục ở Nhật. Shiori Ito đã đệ đơn lên tòa án Tokyo kiện Noriyuki Yamaguchi về tội tấn công tình dục cô tại một khách sạn ở Tokyo tháng 4/2015. Lúc đó, ông Yamaguchi đang là Giám đốc Văn phòng về Washington tại Hệ thống Phát thanh Truyền hình Tokyo (Tokyo Broadcasting System). Đồng thời, ông ta cũng là người viết tiểu sử cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nữ phóng viên Nhật Bản phá vỡ bức màn đen tối - Ảnh 2.

Nhà báo Shiori Ito cầm tấm biển đề chữ "chiến thắng" sau phán quyết của tòa án

Ito từng chạm mặt Yamaguchi 2 lần trong quãng thời gian cô học báo chí ở New York (Mỹ) trước thời điểm hai người gặp gỡ ngày 3/4/2015. Khi Ito liên hệ với Yamaguchi, ông gợi ý có thể giúp cô tìm việc tại nơi ông này đang công tác. Yamaguchi mời Ito đi uống rượu và dùng bữa tối ở nhà hàng sushi Kiichi thuộc khu Ebisu, Ito kể. Cô bất ngờ vì họ chỉ ăn tối hai người nhưng vẫn đồng ý. Một lúc sau, cô cảm thấy chóng mặt, vào nhà vệ sinh, gục đầu lên toilet rồi lịm đi. Tỉnh dậy, Ito đang nằm bên dưới Yamaguchi trên giường khách sạn, khỏa thân và đau đớn.

Cảnh sát sau đó tìm ra tài xế taxi đã chở Ito và Yamaguchi. Người này nhớ đã đưa họ tới khách sạn Sheraton Miyako, nơi Yamaguchi lưu trú. Người tài xế cho biết Ito không tỉnh táo nhưng vẫn yêu cầu ông đưa cô tới trạm tàu điện ngầm. Tuy nhiên, Yamaguchi lại muốn ông đưa họ về khách sạn với lý do hai người vẫn còn công việc phải thảo luận. Người tài xế còn nhớ Yamaguchi dường như đã nói "Tôi sẽ không làm gì". Khi họ đỗ trước khách sạn, Ito "im lặng" trong khoảng 5 phút và ông nhận ra rằng cô vừa nôn ở ghế sau. "Người đàn ông cố đưa cô ấy tới phía cửa xe nhưng cô ấy không cử động", tài xế kể theo bản ghi lời khai. "Thế nên, ông ta bước ra khỏi xe trước, để chiếc túi của cô gái xuống đất, luồn tay qua vai cô để cố kéo cô xuống. Tôi cảm tưởng cô gái không thể tự đi". Trong camera an ninh khách sạn, Ito trông cũng có vẻ không còn khả năng nhận thức. Họ đi qua hành lang vào khoảng 23h20.

Nữ phóng viên Nhật Bản phá vỡ bức màn đen tối - Ảnh 3.

"Yêu râu xanh" Noriyuki Yamaguchi

Sau khi bị tấn công tình dục, Ito cuối cùng đã quyết định gọi cảnh sát báo án. Vụ việc đã từng gây chấn động Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung trong một thời gian dài. Sau khi quyết định kiện Yamaguchi, Ito đã yêu cầu bồi thường khoản tiền là 100 nghìn USD (hơn 2,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau đó, Yamaguchi đã bác bỏ mọi cáo buộc và đệ đơn kiện ngược lại Ito, kèm theo yêu cầu bồi thường 1,9 triệu USD (hơn 44 tỷ đồng). Sau 2 tháng điều tra, các công tố viên hủy vụ án. Cơ quan điều tra cho biết, không đủ bằng chứng. "Thay vì nhận được sự cảm thông, tôi bị đe dọa, lăng mạ, bị phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông. Cảnh sát không khuyến khích nạn nhân trình báo sự việc. Sau tất cả, tôi ra nước ngoài, từ bỏ giấc mơ làm báo ở Nhật Bản", Shiori Ito nói.

Biểu tượng của phong trào #MeToo

Năm 2017, Ito quyết định lên tiếng, phơi bày tất cả vụ việc, điều mà rất ít phụ nữ Nhật Bản dám thực hiện. Trong một cuộc họp báo tháng 5/2017 và trong cuốn sách do chính cô viết được xuất bản tháng 10/2017, Ito nói đoạn phim trích xuất từ camera an ninh có ghi lại cảnh cô bị kéo từ taxi vào khách sạn, mẫu ADN thu thập được từ quần lót của cô trùng khớp với kẻ bị cáo buộc tấn công. Thật không may cho cô gái khi mà những lời tố cáo này chỉ là những gợn sóng nhỏ trong đại dương và vụ việc lại tiếp tục bị xem như chưa từng xảy ra. Không lùi bước, trong bộ phim tài liệu "Nỗi hổ thẹn bí mật của nước Nhật", Shiori Ito tiếp tục kể lại rằng, khi cô nói với Yamaguchi sẽ dùng luật pháp để trừng phạt hắn, Yamaguchi cười nhạo đáp lại: "Nếu muốn báo án thì cô cứ làm đi, cô không thể thắng được đâu". Trong nước mắt tủi nhục, Ito luôn khẳng định mình sẽ đứng lên đòi công bằng cho bản thân và cho những người phụ nữ khác.

Nữ phóng viên Nhật Bản phá vỡ bức màn đen tối - Ảnh 4.

Bà Yoshiko Hayashi (phải) trong buổi họp báo về việc thành lập mạng lưới WiMN

Sau tất cả, sự đấu tranh của Ito không hề uổng phí, cô không những tự mình cứu lấy mình mà còn làm thay đổi luật pháp Nhật Bản, thúc đẩy tăng hình phạt cho tội phạm tình dục. Năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch sửa đổi luật chống tội phạm tình dục, nâng mức án tối thiểu với những người bị tố cưỡng hiếp từ 3 năm lên 5 năm. Bên cạnh đó, Bộ Luật cũng thay đổi rằng các nạn nhân không cần phải chính thức báo án. Điều này nhằm khắc phục việc nhiều trường hợp bị cưỡng hiếp mà bỏ qua do nạn nhân không dám lên tiếng.

Đứng cùng chiến tuyến với cô Ito, Mạng lưới Phụ nữ trong giới Truyền thông Nhật Bản (WiMN) đã được thành lập với 86 thành viên nhằm vạch trần những hành động quấy rối và lạm dụng tình dục trong ngành truyền thông. "Thật không may, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ và xâm hại tình dục vẫn còn tồn tại trong giới báo chí. Nhiều nữ phóng viên cảm thấy khó khăn trong việc lên tiếng vì xấu hổ và lo sợ rằng điều ấy có thể phá hủy các mối quan hệ của họ", hãng tin AFP dẫn lời bà Yoshiko Hayashi, nhân viên từng làm việc trong Nhà xuất bản Asahi Shimbun.

Nguồn: Theo Japan Times, BBC, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm