Nữ sinh 16 tuổi khỏe mạnh, đi khám bất ngờ phát hiện bị ung thư di căn khắp bụng

LÊ PHƯƠNG
15/09/2022 - 16:58
Nữ sinh 16 tuổi khỏe mạnh, đi khám bất ngờ phát hiện bị ung thư di căn khắp bụng

Ảnh minh họa

Ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến nhưng nhiều người chủ quan, nhất là người trẻ tuổi vì thế nhiều trường hợp đến viện khối u đã di căn sang nhiều bộ phận.

TS.BS Ung Văn Việt, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết cho biết, mặc dù người mắc ung thư đại trực tràng ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng khi được thông báo về bệnh, đa số bệnh nhân đều có một điểm chung là quá bất ngờ vì chưa từng nghĩ rằng mình bị ung thư và trước đó không có triệu chứng rõ ràng.

Mới đây, bác sĩ Việt tiếp nhận một nữ sinh 16 tuổi, nhìn bề ngoài rất khỏe mạnh, đến khám do từng bị tắc ruột và đã được phẫu thuật tại tuyến dưới.

Khi nhập viện, các bác sĩ chỉ định cho chụp chiếu, kết quả bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng, di căn lan tràn khắp các cơ quan như gan, phổi, mạch máu lớn… Đáng nói, ngoài vấn đề tắc ruột đã được phẫu thuật trước đó, nữ bệnh nhân này không hề có biểu hiện gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Vì thế, khi được bác sĩ thông báo bệnh, cả bệnh nhân và người thân đều bàng hoàng.

Rất nhiều người đi khám và làm nội soi bất ngờ phát hiện mắc ung thư trực tràng. (Ảnh minh họa)

Không chỉ với những trường hợp trẻ tuổi như bệnh nhân trên, bác sĩ Việt cho biết, nhiều người là đối tượng nguy cơ, có dấu hiệu lâm sàng nhưng cũng rất chủ quan, không đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân Đ, ở TP.HCM năm nay 45 tuổi, có biểu hiện đi đại tiện phân lỏng nhưng lại nghĩ bị rối loạn tiêu hóa. Đến khi tình trạng kéo dài, không cầm được, bệnh nhân đi nội soi các bác sĩ thông báo đã mắc ung thư đại tràng. “Gia đình tôi mấy đời không có người mắc ung thư, nên nhận kết quả tôi rất bất ngờ”, anh Đ. chia sẻ với bác sĩ.

Bác sĩ Việt cho rằng, đại trực tràng là cơ quan quan trọng, bao gồm việc kết thúc quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng tan trong nước, tổng hợp một số loại vitamin và chịu trách nhiệm thải các chất không cần thiết ra ngoài cơ thể, bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 3 ở nữ trong số các căn nguyên gây tử vong. Mặc dù là ung thư nguy hiểm, bệnh lý này có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp được điều trị thành công, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Ăn uống lành mạnh, có lối sống khoa học sẽ giúp phòng ngừa tốt ung thư đại trực tràng. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Việt chia sẻ, với trường hợp được phát hiện sớm thì phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu và triệt căn. Ngoài ra, có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị tùy tình trạng, giai đoạn bệnh của bệnh nhân.

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, bác sĩ Việt nhấn mạnh đến việc tầm soát định kỳ để phát hiện sớm. Theo đó khi 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư đại trực tràng ít nhất một lần mỗi năm.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng như: thường xuyên viêm loét đại trực tràng, trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, đã phát hiện polyp hoặc đã cắt bỏ polyp cần phải tầm soát ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm.

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ mắc bệnh cần có chế độ ăn, lối sống lành mạnh, hạn chế ăn thịt, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, đồ uống có cồn. Ngoài ra, cần tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khoẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm