pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư
Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng rối loạn nhịp thở xảy ra khi một người đang ngủ. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Mặc dù vậy, những nguy cơ sức khỏe gây ra do ngưng thở khi ngủ cho đến nay vẫn chưa được biết một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, kết quả của ba nghiên cứu mới được công bố gần đây tại Đại hội Quốc tế năm 2022 của Hiệp hội Hô hấp Châu Âu đã góp phần làm rõ hơn vấn đề này. Theo 3 nghiên cứu trên, ngưng thở khi nguy cơ sự liên quan đến tăng nguy cơ mắc suy giảm nhận thức, huyết khối, và bệnh ung thư.
1. Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là thuật ngữ để chỉ việc một người ngưng thở lặp đi lặp lại, có chu kỳ trong lúc họ đang ngủ. Trong trường hợp tình trạng ngưng thở khi ngủ bị gây nên bởi sự tắc nghẽn đường thở, nó sẽ được gọi là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn - OSA. Các yếu tố như béo phì, hút thuốc lá, sử dụng rượu,... là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Dễ thấy nhất là tình trạng suy giảm oxy trong máu do ngưng thở khi ngủ, có thể dẫn đến nguy hiểm.
Theo Tiến sĩ Kevin Postol đến từ Học viện Y học Giấc ngủ và Nha khoa Hoa Kỳ, những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể cảm thấy buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Điều này là nguyên nhân khiến nhiều vụ tai nạn xảy ra hơn. Hoặc phải kể đến là tình trạng sa sút sức khỏe tâm thần do không ngủ đủ giấc, dễ gây ra trầm cảm, rối loạn cảm xúc,...
Ông cho biết thêm, chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị có thể khiến huyết áp của những bệnh nhân tăng huyết áp tăng cao đột ngột. Hậu quả là đột quỵ và nhồi máu cơ tim xảy ra một cách dễ dàng hơn, nhất là khi họ đang ngủ vào ban đêm.
2. Ngưng thở khi ngủ nguy hiểm ra sao?
2.1. Làm tăng nguy cơ mắc ung thư
Trong 3 nghiên cứu về ngưng thở khi ngủ được công bố gần đây tại Đại hội Quốc tế của Hiệp hội Hô hấp Châu Âu năm 2022, nghiên cứu đầu tiên đã chỉ ra chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cụ thể, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu này theo mô hình nghiên cứu cắt ngang. Khoảng 2000 người đã được chọn để tham gia, họ đều là những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và mắc bệnh ung thư. Bên cạnh đó, một nhóm người khác với số lượng tương đương nhưng không bị ngưng thở khi ngủ và ung thư cũng được lựa chọn để tiến hành đối chứng.
Kết quả sau khi phân tích cho thấy, nguy cơ ung thư tăng lên ở những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn so với những người không gặp phải tình trạng này.
Theo tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Andreas Palm đến từ Trường Đại học Uppsala, nguy cơ ung thư tăng lên ở những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là điều đã được biết đến. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ liệu mối quan hệ này là do bản thân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn gây nên hay do các yếu tố nguy cơ ung thư (béo phì, bệnh tim mạch, lối sống,...) gây nên.
Nhưng nghiên cứu mới của của ông và các cộng sự đã cho thấy, tình trạng thiếu oxy gây nên bởi chứng ngưng thở do tắc nghẽn có mối quan hệ độc lập trong làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, không phụ thuộc vào yếu tố khác.
2.2. Gây suy giảm nhận thức
Nghiên cứu thứ 2 trong số các nghiên cứu mới phát hiện, tồn tại mối quan hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn với tình trạng suy giảm nhận thức. Nghiên cứu này được thực hiện trong thời gian 5 năm, với sự tham gia của 358 người có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có mối quan hệ với tình trạng suy giảm chức năng xử lý, vận hành trầm trọng hơn ở đối tượng nam giới trên 74 tuổi.
Theo họ, điều này có thể liên quan đến tình trạng thiếu oxy do chứng ngưng thở khi ngủ. Bởi tốc độ xử lý, trí nhớ và nhận thức tổng thể đều sẽ bị suy giảm khi có tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp.
2.3. Tăng tình trạng huyết khối
Nghiên cứu cuối cùng trong ba nghiên cứu trên đã tiến hành đánh giá liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và nguy cơ hình thành cục máu đông - một tình trạng nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Có hơn 7.000 người đã tham gia vào nghiên cứu này.
Sau 6 năm theo dõi, người ta ghi nhận được 104 trường hợp phát triển huyết khối không rõ nguyên nhân.
Vì vậy các nhà khoa học kết luận rằng, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng có thể làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
Theo Tiến sĩ Azizi Seixas đến từ Trường Đại học Miami, các nghiên cứu trên đã cho biết thêm những tác động tiêu cực của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đối với sức khỏe, bao gồm thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, suy giảm nhận thức và làm gia tăng nguy cơ ung thư.
Ông nhận xét, những kết quả này có sự tương đồng với việc mà ông đang làm. Chúng cho thấy rằng, giấc ngủ là một hiện tượng với nhiều vai trò khác nhau. Chẳng hạn như nó có thể là một yếu tố liên quan quan, yếu tố nguy cơ, hoặc cũng có thể là yếu tố dự báo sức khỏe,...
3. Vẫn còn có những hạn chế
Mặc dù có những phát hiện nhất định, nhưng ba nghiên cứu này cũng vẫn còn tồn tại một số giới hạn. Do đó, sẽ là quá sớm và có thể nguy hiểm để đưa ra các khuyến cáo lâm sàng dựa trên kết quả của chúng.
Chẳng hạn như các nghiên cứu này mặc dù xác định những mối quan hệ rủi ro, tuy nhiên lại không thể xác định đâu là nguyên nhân gây ra điều này. Hay việc số lượng người tham gia giới hạn khiến kết quả của nghiên cứu cũng trở nên hạn chế. Do đó có thể cần phải theo dõi nhiều người hơn để củng cố những phát hiện được tìm thấy ở các nghiên cứu trên.
Tiến sĩ Azizi Seixas cho rằng cần có nhiều nghiên cứu nhân quả được thực hiện thêm trên nhiều nhóm người khác nhau. Bởi đã có nhiều tài liệu chứng minh, yếu tố dân tộc có thể tác động lên nguy cơ mắc các vấn đề về giấc ngủ như chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc nguy cơ mắc các bệnh khác như ung thư, bệnh tim, sa sút trí tuệ.
Mặc dù vậy, kết quả của các nghiên cứu này cũng là lời cảnh báo cho những ai đang mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ. Điều họ cần làm là phải tìm cách điều trị, theo dõi lâu dài để dự phòng các biến chứng lâu dài cho sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Sleep apnea: Studies find increased risk for cancer, cognitive decline, and more