pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Xơ Đăng thường xuyên ăn suất cơm chỉ 1.000 đồng
TS Rơ Đăm Thị Bích Ngọc
Muốn thay đổi cuộc sống cần phải nỗ lực
Học xong cấp ba ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, nữ sinh dân tộc Xơ Đăng Rơ Đăm Thị Bích Ngọc khăn gói ra Thủ đô học đại học.
"Đó cũng là lần đầu tiên tôi ra Thủ đô Hà Nội. Trái với sự tự tin trước đó, tôi vấp phải cú sốc văn hóa, từ ăn uống, trang phục đến ngôn ngữ… điều gì cũng làm tôi bỡ ngỡ. Tôi tự mình bắt xe từ Tây Nguyên đi hơn 1.000 km ra Hà Nội, tự làm thủ tục nhập học, nhận phòng ký túc xá. Trong những ngày đầu tiên ấy, nhìn bạn bè có bố mẹ đi cùng, chăm sóc từng chút một, tôi thấy tủi thân, nhớ nhà và khóc suốt một thời gian dài", chị Bích Ngọc nhớ lại.
Vì ẩm thực hai miền có sự khác biệt nên nữ sinh dân tộc Xơ Đăng sinh năm 1981 này thường dùng phiếu ăn đổi 500 đồng cơm và 500 đồng lạc, bởi đó là món dễ ăn với cô. Bích Ngọc đã phải mất nhiều tháng trời để vượt qua những khác biệt về văn hóa, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, dần hòa nhập với môi trường đại học.
Việc học càng khó khăn, càng cần nhiều nghị lực và ý chí để vượt qua hơn. Chị Bích Ngọc cho hay chị từng trượt môn tiếng Việt. Đó là nỗi buồn nhưng cũng là động lực để chị có thêm quyết tâm học, không chỉ vì mình mà còn để góp phần thay đổi quan niệm "nữ sinh dân tộc thiểu số hạn chế trong việc tiếp cận tri thức".
Từ khi còn học phổ thông, Bích Ngọc đã có mong muốn vươn lên để khám phá nguồn tri thức phong phú, vô tận. Chị cũng tâm niệm rằng: "Muốn thay đổi cuộc sống cần phải học tốt, phải nỗ lực thật nhiều!". "Kim chỉ nam" này đã theo chị trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và đến tận bây giờ khi đã trở thành Nghiên cứu viên chính của Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Chị Bích Ngọc tâm sự, chị luôn ý thức mình là người con của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng. Chị muốn giới thiệu văn hóa của dân tộc mình thông qua kết quả nghiên cứu cụ thể. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị hoàn thành luận văn cao học, sau đó là Luận án tiến sĩ với tổng thời gian 7 năm về một loại hình di sản văn hóa của đồng bào Xơ Đăng ở Kon Tum, đó là nhà Rông.
Năm 2015, lúc làm gần xong luận án tiến sĩ thì chị Ngọc mang bầu. Sinh con được 6 tháng thì chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ luận án tiến sĩ được phát triển từ đề tài thạc sĩ sẽ có nhiều thuận lợi. Nhưng thực sự, để đeo đuổi một đề tài nghiên cứu đòi hỏi sự khoa học và tính chính xác trong suốt 5 năm là cực kỳ vất vả", chị Ngọc chia sẻ.
Sau này, trong quá trình công tác, chị Ngọc vẫn nghiên cứu thêm về đề tài này, thường xuyên cập nhật thông tin. Chị cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhà rông được dựng bằng vật liệu tự nhiên đã mai một đi nhiều, không ít nhà rông hiện tại được làm bằng bê tông, cốt thép…
Cha mẹ là người truyền "lửa", giúp con đam mê học hành
"Thực tế bản thân tôi phấn đấu không ngừng, dù khó khăn cũng không dừng bước. Chính nghị lực và quyết tâm đã giúp tôi đạt được ước mơ của mình và trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của người Xơ Đăng", chị Bích Ngọc chia sẻ.
Nhớ lại hồi mới tốt nghiệp đại học, về Viện Tâm lý học công tác, khi đó được các thầy cô quan tâm và yêu quý nên chị vừa đi làm vừa tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu. Ba mẹ chị phải chắt chiu nuôi 3 người con đi học nên rất vất vả. Bản thân chị Ngọc luôn ý thức phải tự lực để không mang thêm khó khăn cho ba mẹ.
Trong thành công của mình, chị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục gia đình. "Tôi may mắn hơn các bạn ở buôn làng của mình vì ba tôi cũng được đưa đi học, tập kết ở miền Bắc từ năm 9 tuổi, học đại học xong thì ba về Tây Nguyên.
Dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng ba mẹ vẫn dành một khoản tiền để các con đi học, truyền cho các con ngọn lửa đam mê học. Ba của tôi thường xuyên trò chuyện với các con về việc học hành. Bên cạnh đó, bản thân mình phải có quyết tâm, ý chí học thì mới có thể đạt được thành công như hôm nay", chị Bích Ngọc khẳng định.
Nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Xơ Đăng sở hữu giọng hát đầy nội lực
Nhiều người bất ngờ khi biết nữ tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Xơ Đăng còn sở hữu giọng hát đầy nội lực. Dù không học qua bất kỳ trường lớp nào về thanh nhạc nhưng hiện tại chị Bích Ngọc có thể biên đạo một chương trình hoành tráng. Thi thoảng về quê nhà Kon Tum, chị lại cầm mic hát cho đồng bào nghe. "Ba mẹ tôi ngồi dưới còn bất ngờ vì không biết sao con gái mình hát hay thế!", chị Ngọc cười nói.
Năm 2023, chị Bích Ngọc cùng 2 tiến sĩ người dân tộc Xơ Đăng được mời tham gia chương trình "Chắp cánh ước mơ" ở Kon Tum. Chị Bích Ngọc cho biết, chị rất vui khi có cơ hội được trở về với đồng bào mình, được truyền cảm hứng cho học sinh dân tộc thiểu số theo đuổi ước mơ. Chị hy vọng sau này, không chỉ người dân tộc Xơ Đăng mà cả các dân tộc khác sẽ có thêm nhiều tiến sĩ…