pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ tỷ phú giàu nhất châu Phi bị buộc tội rửa tiền
Từng được mệnh danh"người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới’
Các cáo buộc trên được đưa ra sau khi bộ hồ sơ mang tên "Luanda Leaks" (Luanda là thủ đô Angola) do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố giữa tháng 1/2020 cho thấy, người phụ nữ giàu nhất châu Phi đã đánh cắp hàng trăm triệu USD tiền nhà nước, chuyển ra nước ngoài. Nhà chức trách Angola đã mở cuộc điều tra hình sự với bà Isabel. Các công tố viên Angola đã phong tỏa một phần tài khoản ngân hàng và tịch thu cổ phiếu của bà với tổng giá trị 750 triệu Bảng. "Bà Isabel dos Santos bị cáo buộc quản lý kém và tham nhũng trong thời gian làm việc tại Sonangol và bị buộc tội rửa tiền, gây ảnh hưởng sai trái, quản lý gây hại... giả mạo tài liệu và các tội ác kinh tế khác", tổng công tố viên Helder Pitta Gros nói.
Mới đây, cảnh sát Bồ Đào Nha cũng đã chặn được 8,5 triệu Bảng mà bà Isabel tìm cách chuyển sang một nước khác nhằm bảo toàn tài sản. Đây là điều bà Isabel đang thuê luật sư để phản bác lại. Bà Isabel phủ nhận mọi sai phạm và bác bỏ ý kiến nói các khoản giao dịch là nhằm bòn rút cạn tiền trong ngân hàng của Sonangol ngay trước khi bà rời cương vị. Bà Isabel đã gọi đây là "cuộc săn phù thủy" và "cuộc tấn công được tính toán kỹ" do những người cầm quyền ở Angola đứng đằng sau.
Theo kết quả điều tra, Isabel làm giàu nhờ vắt kiệt đất nước Angola nghèo đói. Bà đã tiếp cận các hợp đồng sinh lợi liên quan đến đất đai, dầu mỏ, kim cương và viễn thông trong thời gian cha bà, ông José Eduardo dos Santos, làm Tổng thống Angola (1979-2017). Các tài liệu cho thấy, vợ chồng bà được phép mua các tài sản có giá trị của nhà nước thông qua một loạt các thỏa thuận đáng ngờ. Kênh truyền hình BBC Panorama đã tiếp cận hơn 700.000 tài liệu bị rò rỉ về đế chế kinh doanh của nữ tỷ phú, một người lấy Vương quốc Anh làm nhà của mình và sở hữu những tài sản đắt tiền ở trung tâm London. Các tài liệu cho thấy bà Isabel, người có khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD.
Là người phụ nữ được cho là giàu nhất châu Phi, bà Isabel từng có lần được BBC mệnh danh là một trong 100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. Bà Isabel sử dụng chiếc siêu du thuyền Hayken trị giá 40 triệu Bảng, đi lại và sống tại những ngôi nhà sang trọng của bà tại London, Monaco và Bồ Đào Nha. Bà còn thường xuyên tổ chức những bữa tiệc hoành tráng, có tin nói có lần bà từng trả cho Mariah Carey 1 triệu USD để mời cô tới hát. Bà Isabel cũng hay kể tên nhiều người nổi tiếng trong số bạn bè của mình như nữ ca sĩ Anh kiêm người mẫu ảnh Rita Ora, ca sĩ Mỹ Nicole Sherzinger, nữ ca sĩ kiêm doanh nhân, người mẫu Mỹ Paris Hilton... Bà từng tuyên bố sẽ chạy đua tổng thống năm 2022.
Ông Andrew Feinstein, đứng đầu Tổ chức Corruption Watch, nói rằng các tài liệu trên cho thấy cách mà bà Santos đã bóc lột đất nước của chính mình như thế nào. "Mỗi lần bà ta xuất hiện trên bìa của một số tạp chí ở đâu đó trên thế giới, mỗi lần bà ta tổ chức một trong những bữa tiệc sang trọng của mình ở miền Nam nước Pháp, bà ta đều làm được nhờ chà đạp lên khát vọng của người dân Angola", ông Feinstein nói.
Kiếm chác từ các "thỏa thuận ma"
Năm 2016, doanh thu của công ty Sonangol đạt tới 18 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2015, Sonangol trải qua khủng hoảng vì giá dầu hạ và làm ăn kém hiệu quả, đe dọa cả nền kinh tế Angola mà Sonangol chiếm 1/3 GDP và 90% xuất khẩu. Tổng thống Angola lúc đó là José Eduardo dos Santos, cha của bà Isabel, mời công ty do chính con gái làm chủ tịch nhận trọng trách điều phối các hãng tư vấn, nhằm cải tổ Sonangol. ICIJ cho biết, các hãng tư vấn phương tây như PwC và Boston Consulting Group (BCG) "đã làm ngơ các báo động đỏ" và giúp bà dos Santos biển thủ ngân sách. Các hồ sơ cho thấy, cách các hãng này giúp bà mở các tài khoản mờ ám. Một hồ sơ mật nghi là do BCG phác thảo tháng 9/2015 cho thấy một âm mưu phức tạp nhằm chuyển tiền của công ty dầu khí ra nước ngoài. Một hồ sơ khác tương tự dài 99 trang là do KPMG chuẩn bị.
Những tuần ngay trước khi bà Isabel bị tổng thống mới João Louren#o bãi nhiệm năm 2017, chính là lúc những khoản tiền triệu USD "không cánh mà bay" khỏi ngân khố công ty dầu khí quốc gia Angola. Đáng chú ý nhất, vào ngày mất chức ở Angola, bà đã chuyển 58 triệu USD tiền thanh toán dịch vụ cho công ty tư vấn ở Dubai có tên là Matter Business Solutions. Bà còn nắm giữ 25% cổ phần trong Công ty cung cấp dịch vụ di động Unitel sau khi công ty này được cha bà cấp giấy phép hoạt động vào năm 1999. Unitel đã trả cho bà 1 tỷ USD cổ tức và cổ phần của bà cũng tương đương với 1 tỷ USD. Bà còn gây sức ép để Unitel cho Công ty Unitel International Holdings do bà thành lập vay 350 triệu Euro và tranh giành ảnh hưởng gian lận với Unitel nhờ cố ý đăng ký trùng tên.
Chồng của bà là doanh nhân Sindika Dokolo, đã ký một thỏa thuận vào năm 2012 với Sodiam, công ty kim cương nhà nước Angola. Họ được cho là đối tác 50-50 trong thỏa thuận mua cổ phần của nhà kim hoàn Thụy Sĩ De Grisogono nhưng được tài trợ bởi công ty nhà nước. Các tài liệu cho thấy, 18 tháng sau thỏa thuận, Sodiam đã đưa 79 triệu USD vào quan hệ đối tác, trong khi ông Dokolo chỉ đầu tư 4 triệu USD. Sodiam cũng trao cho ông ta khoản phí môi giới cho thỏa thuận là 5 triệu Euro. Cựu tổng thống José Eduardo cũng trao cho chồng bà quyền mua một số kim cương thô của Angola, gây thiệt hại cho đất nước thêm 1 tỷ USD. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy bà là một cổ đông của De Grisogono và được đại diện quyền lợi bởi các cố vấn tài chính.
Các tài liệu rò rỉ cũng tiết lộ, cách bà mua đất của nhà nước hồi tháng 9/2017 nhờ ảnh hưởng của cựu Tổng thống Angola, trong đó một lần nữa, bà chỉ phải trả một khoản phí nhỏ. Hợp đồng nói rằng công ty của bà đã mua một km vuông đất bãi biển ở thủ đô Luanda trị giá 96 triệu USD. Các tài liệu cho thấy công ty của bà chỉ trả 5% trong số đó sau khi đồng ý đầu tư phần còn lại vào phát triển Futungo, một dự án nhà ở cách thủ đô Luanda 50km.
Người em trai cùng cha khác mẹ của bà là José Filomeno dos Santos (41 tuổi) cũng phải ra trước tòa vì bị cáo buộc biển thủ tới 1,2 tỷ Bảng khi ông ta là người đứng đầu quỹ tài sản có chủ quyền của Angola.