Nuôi lớn hôn nhân bằng những trận... cãi nhau

Hoàng Anh Tú
17/02/2023 - 15:32
Nuôi lớn hôn nhân bằng những trận... cãi nhau

Ảnh minh họa

Nhiều người chồng, người vợ luôn tìm cách tránh né cãi nhau vì cho rằng cãi nhau tạo ra những năng lượng xấu trong hôn nhân. Đúng! Nhưng đó là cãi nhau sai cách thôi. Chứ nếu cãi nhau đúng cách, hôn nhân của bạn sẽ trưởng thành lên thấy rõ sau mỗi cuộc cãi nhau đấy! Hôm nay, hãy cùng chuyên mục "Qua vùng thời tiết xấu" biến một cuộc cãi nhau thành… bổ dưỡng hôn nhân nhé!

CHÚNG TA CÃI NHAU SAI THẾ NÀO?

Cái sai của một cuộc cãi nhau không nằm ở cái sai ở chồng hay cái sai ở vợ mà nằm ở việc chúng ta cố chứng minh mình đúng. Nó biến một cuộc cãi nhau thành cuộc chiến hơn thua. Nó càng sai hơn khi người chiến thắng thì hả hê, kẻ thua cuộc thì hậm hực, cay cú. Chồng hơn vợ thì hôn nhân giảm sút. Vợ thắng chồng thì hôn nhân thua cuộc. Vinh quang của người chiến thắng là nước mắt của người chiến bại. Mà trong hôn nhân, nước mắt của chồng há chẳng phải nỗi xót xa trong vợ, tổn thương của vợ há chẳng phải thương tổn nơi chồng?

Một cuộc cãi nhau, bất luận đúng hay sai, nên hay không nên, thì nó cũng đều mang đến những năng lượng tiêu cực trong hôn nhân. Đó cũng là lý do nhiều người tìm cách tránh né cãi nhau. Nên nhiều người vợ không muốn cãi nhau với chồng mà chọn cách nuốt vào trong lòng ấm ức. Nên nhiều người chồng không muốn cãi nhau với vợ mà chọn cách bỏ đi, im lặng. Điều đó càng khiến cho năng lượng tiêu cực tích tụ lại. Đến một ngày xấu trời, bùm, nổ! Giống như thời tiết vậy, trời không mây tất sẽ nắng gắt, ngày oi bức tất sẽ mưa đổ, sét xé trời. Thế nên, cái sai của một cuộc cãi nhau nằm ở việc chúng ta làm gì sau đó chứ không phải là nên hay không nên cãi nhau.

Nuôi lớn hôn nhân bằng những trận... cãi nhau - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nhiều người vợ tâm sự với tôi về trái tim của cô ấy thương tổn thế nào sau mỗi cuộc cãi nhau với chồng. Họ nói rằng: Sau mỗi cuộc cãi nhau với chồng, cảm xúc trong họ trở nên xơ cứng, hôn nhân trong họ trở nên tệ rạc, lòng tin vào hạnh phúc hôn nhân trong họ trở thành khói mảnh. Thậm chí, nhiều người vợ nhìn tương lai của hôn nhân trở nên mịt mùng. Làm sao để sống tiếp với một người chồng như thế?

Làm sao để sống tiếp, chính xác là làm sao có thể hạnh phúc trở lại sau mỗi cuộc cãi vã? Nhất là khi người chồng thất vọng về vợ ít khi tâm sự với ai vì sự sĩ diện trong anh ta quá lớn. Bởi nếu anh ta tâm sự với bạn bè, rất có thể thứ anh ta nghe khuyên giải thường là: "Vợ mày như thế là không được. Mày là đàn ông kia mà! Đàn ông thì không được nhu nhược như thế". Còn người vợ thì cũng vậy, tâm sự với bạn tử tế thì được nhận lời khuyên tử tế, rủi có đưa lên mạng, 10 người bình luận thì 7 người khuyên ly dị.

Cãi nhau sai có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường. Không chỉ đàn ông mới đi tìm một "em gái mưa" để an ủi mình đâu, nhiều phụ nữ cũng vậy. Há chẳng phải nhiều phút yếu lòng của phụ nữ cũng bắt đầu từ lý do cãi nhau với chồng thường xuyên đó sao? Là bởi cãi nhau sai là những cuộc cãi nhau khiến người vợ cô độc hơn ngay trong chính cuộc hôn nhân của mình. Tôi không bao biện cho những người vợ ngoại tình đâu. Tôi chỉ muốn nhắc nhở đàn ông rằng hãy giữ chặt vợ mình lại bởi đàn ông ngoài kia rất nhiều kẻ chỉ chực chờ bạn ném, đẩy vợ mình ra thôi. Không phải dọa đàn ông đâu.

Cãi nhau sai là chẳng ai còn làm đúng bổn phận, trách nhiệm, vai trò, vị trí của mình trong cuộc hôn nhân này nữa!

CÃI NHAU SAO CHO ĐÚNG?

Xem phim Trumbo, tôi nhặt được câu này, khi nhà biên kịch Trumbo nói với con gái mình về mẹ chúng, vợ ông: "Mẹ con là một người phụ nữ kỳ diệu. Bà ấy luôn biết cách khiến bố nghe thấy giọng mình trong mọi cuộc đối thoại!". Tôi nghĩ mãi! Về một người vợ như thế, có nhiều không?

Một người phụ nữ biết lắng nghe đã là một người phụ nữ quá tuyệt vời rồi! Một người phụ nữ thông minh sắc sảo, đoán định và chỉ ra được những cái sai của chồng cũng là rất tuyệt. Nhưng là khiến chồng tự nguyện nhìn lại bản thân, lắng nghe lại chính bản thân chồng thì cần cả 2 điều tuyệt vời trên cùng một điều đặc biệt nữa: Sự trầm tính của lòng bao dung. Sự kiên nhẫn của một lòng yêu thương chồng hết mực! Tôi đoán vậy!

Trong mọi cuộc đối thoại (bao gồm cả tranh luận và hơn thế, cãi nhau) chúng ta vốn chỉ nghe thấy lý lẽ đúng đắn của mình, những điều mình đã làm (đôi khi được thổi phồng lên thành sự hy sinh). Và chỉ thấy mình đúng. Có một số ít thì nghe thấy cả lý lẽ của đối phương nhưng là để tìm ra lý lẽ mà phủ nhận. Chúng ta hay bị cuốn đi bởi mong muốn trở thành người chiến thắng trong cuộc đối thoại ấy. Hoặc tích cực ra, kết thúc cuộc đối thoại mà cả hai ít bị tổn thương nhất, ít thua thiệt nhất. Mà quên rằng, ý nghĩa của mọi cuộc đối thoại là tình trạng mối quan hệ sẽ được cải thiện để tốt lên hoặc bước sang một tình trạng mới có ý nghĩa hơn. Không! Tôi vẫn nói rằng vợ chồng mà hơn thua với nhau thì cả hai cùng thất bại. Thế nên đối thoại là để cả 2 cùng thắng chính bản thân mình, cả hai cùng tốt lên, cuộc hôn nhân cũng nhờ thế mà thêm gắn kết hơn.

Một người phụ nữ có thể khiến chồng nghe thấy, nhìn thấy chính anh ta trước nhất vẫn phải là người phụ nữ đứng ngoài cuộc với hơn thua. Không có tâm lý hơn thua sẽ giúp cô ấy lắng nghe tốt hơn, nhìn thấy nhiều hơn và một lòng sẵn sàng tha thứ cho những câu nói vô tình làm tổn thương mình. Bỏ qua những tiểu tiết do kích động mà thành. Không giương vây, nhe nanh, khoe vuốt sắc, xù lông nhím suốt cuộc đối thoại. Lắng nghe mà không đáp trả. Không ăn miếng trả miếng. Tôi nghĩ nó thật khó không chỉ với phụ nữ mà cả với đàn ông khi đối thoại. Thế nên mới cần một lòng yêu thương đủ lớn để làm được điều đó! Khi tình yêu cao hơn cả sĩ diện của bản thân, tự ái của bản thân thì mới mong đứng ngoài cuộc hơn thua ấy!

Trở về với vợ của nhà biên kịch Trumbo trong bộ phim Trumbo, tôi đã thấy người phụ nữ kiểu đó. Và còn nhiều hơn nữa là trong trường đoạn, khi 2 vợ chồng nhà biên kịch Trumbo nói chuyện với nhau. Trumbo nói: "Chúng ta sẽ không tranh luận về việc đó nữa". Vợ ông đáp, rất mạch lạc, dứt khoát: "Không! Đây không phải là tranh luận. Đây là cãi nhau!". Phải! Là cãi nhau có nghĩa là anh phải nhìn lại bản thân mình đi! Tranh luận còn có thể huề. Nhưng cãi nhau nhất định phải có kẻ thắng người thua. Mà trong cuộc hơn thua đó không phải em thắng anh thua mà là anh phải hơn thua với chính con người anh, những gì anh làm, những gì đang diễn ra quanh anh. Bởi theo dõi cuộc cãi nhau này, người vợ không góp mặt. Tất cả chỉ là chuyện của ông chồng. Và tất nhiên, không hề có đáp trả của người vợ. Trumbo buộc phải đáp trả với chính những gì ông ta đã nói ra, đã làm! Tôi nghĩ đó chính là lý do ông nói với con gái mình về mẹ chúng, vợ ông như thế!

Lần tới, nếu cãi nhau với chồng, bạn biết phải làm gì rồi chứ?

Tiến sĩ Bert Uchino và các đồng nghiệp tại ĐH Utah, Mỹ, đã yêu cầu 136 cặp vợ chồng lớn tuổi điền vào bảng câu hỏi đo lường chất lượng hôn nhân nói chung, cũng như mức độ nhận thức của họ về sự hỗ trợ của bạn đời. Những người này có độ tuổi trung bình 63, chung sống trung bình khoảng 36 năm.

Khoảng 30% cho rằng, mối quan hệ của họ là tích cực, bạn đời là nguồn hỗ trợ và 70% cho rằng mối quan hệ của họ có khi rất tích cực nhưng đôi khi khó chịu.

Sau khi sử dụng một máy quét CT để kiểm tra tổng thể hiện tượng vôi hóa trong động mạch vành của người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện mức độ vôi hóa động mạch cao nhất khi cả hai đều cho rằng bạn đời không ủng hộ mình. Nếu chỉ có một trong hai người không hài lòng về người kia thì mức độ vôi hóa động mạch thấp hẳn đi.

Theo tiến sĩ Uchino, tuy nghiên cứu này chưa thể kết luận chắc chắn sự mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng gây ra mức độ vôi hóa động mạch cao hơn nhưng đã góp phần phục vụ các nghiên cứu về sức khỏe tim mạch và là cảnh báo cần thiết trong đời sống vợ chồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm