Ô nhiễm không khí có thể làm tăng tỷ lệ tử vong vì Covid-19

Phương Thanh
22/04/2020 - 17:22
Ô nhiễm không khí có thể làm tăng tỷ lệ tử vong vì Covid-19
Tiến sĩ Maria Neira, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo, các nước ở khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao như Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á nên tăng cường chuẩn bị để đối phó với tình hình phức tạp của Covid-19.

Một nghiên cứu của Đại học Havard (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tăng khoảng 15% ở những khu vực có sự tăng (dù rất nhỏ) về mức độ ô nhiễm không khí trong những năm gần đây. Theo báo cáo từ Đại học Havard, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở một khu vực cao khi mật độ dân số và nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cao. 

Bụi là hỗn hợp các hợp chất dạng rắn hoặc lỏng bay trôi nổi trong không khí, các hợp chất có trong bụi còn được gọi chung là Particulate Matter - ký hiệu PM. Bụi mịn PM2.5 có đường kính nhỏ hơn 2.5 μm (2.5 micro mét) nên được gọi là PM2.5. Theo các nghiên cứu, PM2.5 gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và ung thư phổi.

Các nhà khoa học cho rằng, cần nhiều thời gian và nghiên cứu hơn để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí lên tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, giáo sư Annette Peter, Trưởng khoa Dịch Tễ học - Đại học Ludwig Maximilian (Đức) cho biết, phát hiện mới này phù hợp với các báo cáo trước đó về những ca tử vong liên quan đến ung thư phổi.

Tiến sĩ Neira cho biết thêm, kết quả của nghiên cứu này đã góp thêm giả thuyết mới về một yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Tác giả của báo cáo, Giáo sư Francesca Dominici (Italia) cho biết: "Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh các nhà chức trách dự kiến nới lỏng các quy định về ô nhiễm vì đại dịch Covid-19."

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên Science Direct hồi đầu tháng 4 cũng cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Italia. Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Siena (Italia) và Đại học Arhus (Đan Mạch) đã phát hiện, ở các khu vực phía bắc Italia như thành phố Bologna và Emilia Romagna, tỷ lệ tử vong do Covid-19 khoảng 12% trong khi tỷ lệ này ở những khu vực khác chỉ khoảng 4.5%.

Ô nhiễm không khí có thể tăng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này. Có thể do cách mỗi vùng ghi nhận những ca tử vong và nhiễm bệnh hoặc hai vùng này có dân số tương đối già. Ngoài ra, miền Bắc Italia là thủ phủ công nghiệp của nước này và đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra, mức độ ô nhiễm không khí cao ở miền bắc Italia nên được xem là một nguyên nhân bổ sung cho tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 ở khu vực này.

Trong khi đó, tại Philippines, Giáo sư Cesar Bugaoisan cho biết, dữ liệu sơ bộ thu thập được cho thấy, hầu hết các bệnh nhân tử vong vì coronavirus ở quốc gia này đều có những bệnh nền liên quan đến ô nhiễm không khí.

Dữ liệu từ WHO cho thấy, mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vì ô nhiễm không khí. Hơn 90% dân số thế giới sẽ sống chung với ô nhiễm không khí khi mức độ ô nhiễm đang ngày càng nghiêm trọng. Theo một báo cáo được công bố vào năm ngoái của Ngân hàng thế giới (WB), một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng bởi ô nhiễm không khí là Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi và các khu vực gần sa mạc Sahara. Ngoài ra, theo báo cáo của WHO và Liên Hợp quốc, các thành phố ở Chile, Brazil và Mexico cũng có mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động.

"Khi ô nhiễm không khí làm hỏng đường hô hấp và mô phổi thì khả năng bệnh nhân vượt qua virus SARS-CoV-2 sẽ rất thấp".

Giáo sư Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ

Báo cáo chất lượng không khí thế giới 2019 cho thấy, nhiều thành phố ở Ấn Độ có mức ô nhiễm không khí vượt mức cho phép. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 22/4, Ấn Độ đã ghi nhận 645 ca tử vong vì Covid-19. Bác sĩ SK Chhabra, trưởng Khoa phổi tại Bệnh viện chuyên khoa Primus (Delhi, Ấn Độ) cho biết: "Nếu mức lây lan của virus và số ca tử vong ngày càng tăng, những người mắc bệnh tiềm ẩn vì ô nhiễm không khí chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất".

Sự bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính SARS từ năm 2002 - 2004 đã khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh ở 26 quốc gia và gây tử vong gần 800 người. Một nghiên cứu năm 2003 của Đại học California (Los Angeles) cho thấy, người dân ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao gấp đôi những người ở các khu vực khác.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm