pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ông bố miệt mài tìm sự sống cho con gái 13 tuổi mắc u sau phúc mạc
Các bác sĩ BV Nhi TƯ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi
Đang chơi bé lăn ra co quắp tay chân
Đây là những lời bày tỏ xúc động trong Lá Thư cảm ơn viết tay mộc mạc, chân tình của ông Nguyễn Thế Thuỷ (30 tuổi, ở Bản Chàm, xã Tân Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang) gửi BV Nhi TƯ. Ông Thủy là bố của bé Nguyễn Thị Kim Thư (13 tuổi) bị u sau phúc mạc được bác sĩ BV Nhi TƯ điều trị thành công.
Bé Thư là người dân tộc thiểu số. Cách đây 2 năm, cháu bị tê bì chân tay, khó đi lại, nhiều khi đang chơi thì lăn ra co quắp tay chân. Gia đình cho đi khám ở BV địa phương thì được chẩn đoán là thiếu canxi, nhưng điều trị suốt 2 năm không đỡ. Sau đó, bé được phát hiện là mắc u ở tiểu khung phúc mạc, chèn ép dây thần kinh, nhưng đưa đi khám ở đâu cũng lắc đầu không chữa trị được. Thậm chí, ông Thủy còn mang con đi vào Thanh Hóa, Thái Nguyên chữa thầy lang nhưng không khỏi.
Bố mẹ cháu tiếp tục đưa con xuống một BV tư nhân ở Hà Nội khám thì bác sĩ bảo phải mổ. Tuy nhiên, chi phí dự kiến lại quá cao, nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình. Được người quen hướng dẫn, bé Thư lại được chuyển sang một BV khác ở Hà Nội để phẫu thuật. Nhưng đang phẫu thuật thì chảy máu quá nhiều, nguy cơ biến chứng, tử vong cao nên các bác sĩ đóng vết mổ lại và thực hiện sinh thiết tức thời. Gia đình đã đưa con đi nhiều nơi, làm rất nhiều cách vẫn không chữa được bệnh. Gia đình bắt đầu rơi vào tuyệt vọng, hoang mang.
Bác sĩ Lê Đình Công, Trưởng Đơn vị Điện quang can thiệp, Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (BV Nhi TƯ) cho biết, cach đây 10 năm, người nhà của bé Thư cũng đã được ông phát hiện xoắn trực tràng mãn tính. Sau khi được mổ, cháu đã khỏe mạnh, giờ đã lấy chồng có con. Khi đến viện, người nhà đã gặp bác sĩ Công và trình bày với về tình trạng bệnh của Thư. Sau khi nghe tư vấn của bác sĩ, bệnh nhi được đưa vào BV Nhi TƯ.
Tại BV Nhi TƯ, bệnh nhi được thăm khám toàn diện và làm các xét nghiệm. Kết quả xác định có khối u lớn ở tiểu khung sau phúc mạc. Khối u xâm lấn, chèn ép tĩnh mạch chậu trong và chậu ngoài, khiến niệu quản bị đẩy lồi từ bên phải sang bên trái, một phần niệu quản nằm dưới vỏ u.
Bệnh nhi được làm sinh thiết kim cho kết quả là u lành tính. Các bác sĩ quyết định tiến hành mổ để cứu cháu bé.
U hiếm gặp nhưng tỷ lệ ác tính cao
PGS. TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc BV là người trực tiếp phẫu thuật. Dù dự kiến đây là ca phẫu thuật khó, nhiều nguy cơ, tuy nhiên ekip phẫu thuật đã vô cùng nỗ lực để đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhi. Sau quá trình mổ 5 tiếng đồng hồ, khối u được cắt bỏ thành công.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển về Khoa Hồi sức Ngoại của BV rồi chuyển sang Khoa Ngoại Gan Mật Tụy - Trung tâm Ngoại Tổng hợp để tiếp tục chăm sóc và điều trị sau mổ. Hiện tại, bệnh nhi đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe và hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Theo các bác sĩ, u sau phúc mạc là các loại u phát triển ở khoang sau phúc mạc mà không có mối liên hệ trực tiếp với một tạng rỗng hoặc tạng đặc cụ thể nào. Nguồn gốc mô bệnh học của u sau phúc mạc rất đa dạng, u có thể phát sinh từ trung mô, tế bào mầm, mô thần kinh hoặc các nang sau phúc mạc.
Loại u này khá hiếm gặp và rất đa dạng. Khối u thường không có nguồn gốc thực sự từ các tạng sau phúc mạc (như thận, tuyến thượng thận, niệu quản…) mà chủ yếu từ các tổ chức liên kết ở xung quanh các tạng này như cơ, mỡ, thần kinh… trong đó, có khoảng 60% u sau phúc mạc là ác tính, thường gặp ở người trên 40 tuổi. U có xu hướng phát triển về phía ổ bụng nên dễ nhầm với các u trong ổ bụng. Phẫu thuật cắt triệt để u là phương pháp điều trị duy nhất để đảm bảo khỏi lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và khám ngay khi có các triệu chứng như: Đau bụng, chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường vùng bụng…, tránh phát hiện bệnh muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh triệt để./.