Oxfam: Khoảng cách giới ở Nam Á sẽ được san bằng sau 70 năm nữa

Oxfam
08/03/2020 - 14:15
Oxfam: Khoảng cách giới ở Nam Á sẽ được san bằng sau 70 năm nữa
Theo Báo cáo "Lợi ích công hay Tài sản tư" của Oxfam, xã hội nào có khoảng cách giàu nghèo càng thấp thì ở đó phụ nữ càng được đối xử công bằng hơn. Nhân 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, PNVN giới thiệu là bài viết của bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam - về vấn đề này.

Báo cáo Chỉ số Bình đẳng giới Toàn cầu 2018, dựa vào kết quả đánh giá 149 quốc gia về tiến bộ bình đẳng giới trên thang điểm từ 0 (bất bình đẳng) tới 1 (bình đẳng) theo 4 chỉ số: Sự tham gia và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế thành tựu giáo dục, sức khỏe và sự sống, trao quyền chính trị. Theo đó, nếu tỷ lệ hiện tại được duy trì trong tương lai thì khoảng cách giới toàn cầu sẽ khép lại sau 61 năm ở Tây Âu, 70 năm ở Nam Á, 74 năm ở Mỹ La Tinh và Caribbean, 135 năm ở châu Phi hạ Sahara, 124 năm ở Đông Âu và Trung Á, 153 năm ở Trung Đông và Bắc Mỹ, 165 năm ở Bắc Mỹ, và 171 năm ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Xét về tổng thể, Việt Nam xếp hạng 77 trong năm 2018, cao hơn Indonesia, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc. Chỉ số về sự tham gia và cơ hội cho phụ nữ trong kinh tế là cao nhất trong bốn chỉ số xếp hạng (xếp thứ 33). Các chỉ số còn lại ở dưới mức trung bình, trong đó trao quyền chính trị (xếp thứ 99), thành tựu giáo dục (101), sức khỏe và sự sống (143). Trong số đó, Việt Nam đứng gần cuối bảng về sức khỏe và sự sống.

Dường như thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần rất nhiều thời gian để đạt được bình đẳng. Vậy điều gì đang diễn ra? Tại sao tốc độ lại chậm như vậy? Chúng ta có thể làm gì để đạt được những tiến bộ đáng kể?

bà Babeth Ngoc Han Lefur - Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Báo cáo "Lợi ích công hay Tài sản tư" của Oxfam đã chỉ ra 16,4 tỷ giờ lao động chăm sóc không được trả lương đang đè nặng lên vai phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo. Chúng ta cần thực hiện những thay đổi gốc rễ trong chính sách và hành động để đảm bảo việc giải phóng thời gian cho phụ nữ trở thành mục tiêu trong các chính sách của chính phủ, bao gồm cả chính sách chi tiêu chính phủ, và phụ nữ phải có tiếng nói trong các quyết định về ngân sách. Tất cả các dịch vụ thiết yếu phải được thiết kế phù hợp để những người có ít thời gian cũng có thể sử dụng.

Bất bình đẳng chính là sự phân biệt đối xử dựa trên định kiến giới, các quốc gia bất bình đẳng về kinh tế cũng chính là những quốc gia có bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới hơn những nơi khác. Xã hội nào có khoảng cách giàu nghèo càng thấp thì phụ nữ càng được đối xử công bằng hơn. Chúng ta cần định hình và tư duy lại mô hình phát triển hiện nay; mô hình đang đặt phát triển kinh tế lên trên hết, cùng với đó là cắt giảm dịch vụ công, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp lớn và chạy đua xuống đáy.

Chính các định kiến xã hội và thái độ đã khiến phụ nữ bị coi là thấp hơn nam giới, khiến họ không được hưởng nhiều cơ hội về giáo dục, chính trị và kinh tế. Nghiên cứu của Oxfam về Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ cho thấy, phụ nữ vẫn đang gặp nhiều rào cản trong việc đạt được các vị trí lãnh đạo. Một trong các nguyên nhân là định kiến của cử tri đối với khả năng lãnh đạo của nữ giới. Đây có thể là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tỷ lệ đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử như Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp vẫn thấp.

Những người bỏ phiếu thường áp dụng tiêu chuẩn kép khi quyết định lựa chọn các ứng cử viên nữ. Họ kỳ vọng một nữ lãnh đạo giỏi trước hết phải đảm đang trong việc chăm sóc gia đình, con cái, rồi mới tới việc gánh vác công việc cơ quan; hoặc họ đặt ra khuôn mẫu về người phụ nữ thành đạt trong xã hội Việt Nam đương đại. Nghĩa là, chỉ những nữ lãnh đạo làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình như một người phụ nữ truyền thống và tại nơi làm việc như một phụ nữ hiện đại mới được coi là lý tưởng và mới có cơ hội tham gia chính trường.

Khối doanh nghiệp đã có những cải thiện ở một số lĩnh vực nhưng vẫn cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để xây dựng các chính sách về giới một cách đồng bộ trong tổ chức và trong thực tiễn hoạt động của mình. Nhiều nghiên cứu (và thống kê) do Oxfam thực hiện đã chỉ ra rằng sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào đóng góp to lớn nhưng lại không được ghi nhận của phụ nữ thông qua các công việc không được trả lương mà họ làm hàng ngày. Nếu tất cả công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ trên thế giới do một công ty thực hiện thì công ty này sẽ có doanh thu hàng năm là 10.000 tỷ USD, gấp 43 lần doanh thu của tập đoàn Apple.

Oxfam: Khoảng cách giới ở Nam Á sẽ được san bằng sau 70 năm nữa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Việt Nam là một trường hợp điển hình về lựa chọn và quyết định của các nhà tài trợ quốc tế trong việc tối đa hóa sự hỗ trợ liên tục ở đâu và như thế nào, nhằm đạt được bình đẳng giới. Qua nhiều thập kỷ, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam nhận được nhiều sự tài trợ quốc tế thông qua cung cấp chuyên gia và đầu tư phát triển năng lực của địa phương.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn cả trong chính sách và thực tiễn về giới. Luật Bình đẳng giới 2002 của Việt Nam là một trong những bộ luật về giới tiến bộ nhất châu Á. Tuy nhiên, xu hướng này đang bị yếu dần do việc cắt giảm các nguồn hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác, hoặc chỉ đầu tư vào tăng quyền năng kinh tế; điều này đi liền với sự suy giảm tổng thể các tiến bộ đã đạt được. 

Cuối cùng là lời kêu gọi dành cho giới trẻ, những người sẽ trở thành các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, nhà kinh tế, nhà báo… trong tương lai. Các bạn hãy trở thành những công dân tích cực và có trách nhiệm, hãy hành động cụ thể vì một xã hội công bằng, mà bắt đầu là từ việc thực hiện bình đẳng giới. Hãy cùng nhau thúc đẩy tiến bộ này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm