Oxfam: Thế giới cứ 2 ngày có 1 tỷ phú, chênh lệch giàu nghèo gia tăng

22/01/2019 - 13:31
Báo cáo của Oxfam cho thấy, 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu số tài sản tương đương với 3,8 tỷ người nghèo (tức khoảng 50% dân số thế giới) và cứ 2 ngày lại có thêm 1 tỷ phú mới.
Cứ 2 ngày lại có thêm 1 tỷ phú mới
 
Mới đây, tờ The Guardian dẫn nguồn từ báo cáo của tổ chức Oxfam cho hay, 2018 là một năm mà người giàu ngày càng giàu lên, trong khi người nghèo ngày càng nghèo đi. Chỉ cần 1% số tiền nộp thuế của những người giàu, ước tính khoảng 418 tỷ USD/năm có thể đủ để cung cấp giáo dục cho những đứa trẻ không được đến trường và cung cấp chăm sóc y tế ngăn ngừa 3 triệu người chết mỗi năm.
 
Báo cáo của Oxfam cũng cho biết, tài sản của hơn 2.200 tỷ phú trên toàn cầu đã tăng thêm 900 tỷ USD trong năm 2018, tương đương với 2,5 tỷ USD/ngày. Trong khi số tài sản của những người giàu nhất thế giới tăng 12% thì của những người nghèo lại giảm 11%. Báo cáo này còn kết luận rằng số lượng tỷ phú sở hữu tài sản tương đương với một nửa dân số thế giới đã giảm từ 43 năm 2017 xuống còn 26 năm 2018. Năm 2016, con số này là 61.
 
3943.jpg
Báo cáo của Oxfam cho thấy, từ năm 2017 đến 2018, cứ 2 ngày lại có 1 tỷ phú mới. Ảnh: Bloomberg 
Bên cạnh đó, trong 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gần gấp đôi. Từ năm 2017 đến 2018, cứ 2 ngày lại có 1 tỷ phú mới. Tài sản của người giàu nhất thế giới Jeff Bezos, người sở hữu Amazon, đã tăng lên tới 112 tỷ USD. Chỉ 1% tài sản của Jeff Bezos đã bằng với toàn bộ ngân sách y tế của Ethiopia - quốc gia có 105 triệu người.
 
“Cách các nền kinh tế đang vận hành cho thấy sự giàu có ngày càng tăng lên nhưng lại chỉ tập trung vào một số người nhất định, trong khi hàng triệu người khác đang phải sống với mức sống tối thiểu. Những người phụ nữ chết vì không được chăm sóc sức khỏe bà mẹ đúng cách và trẻ em không được đến trường để thoát khỏi đói nghèo. Không ai đáng bị chỉ trích vì họ chết trẻ hoặc mù chữ đơn giản bởi vì họ sinh ra đã nghèo cả”, báo cáo nêu.
 
Giám đốc các chiến dịch và chính sách của Oxfam, Matthew Spencer, nhận định: “Sự sụt giảm đáng kể số người sống trong đói nghèo là một trong những thành tựu lớn nhất trong thời gian qua, nhưng việc gia tăng sự bất bình đẳng lại đang hủy hoại tiến trình này”.
 
Báo cáo này cho biết, nhiều chính phủ đang khiến sự bất bình đẳng tồi tệ hơn khi không đầu tư hợp lý vào các dịch vụ công. Theo đó, năm 2018 có khoảng 10.000 người chết vì thiếu các điều kiện chăm sóc y tế, trong khi 262 triệu trẻ em không được đến trường, thường là bởi cha mẹ của chúng không đủ tiền để chi trả học phí, đồng phục và sách giáo khoa.
 
Bất bình đẳng gia tăng ở nhiều quốc gia
 
Đáng chú ý, sự chênh lệch giàu nghèo nói trên thường đi kèm với tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Trước đó, hồi tháng 10/2018, Oxfam đã công bố báo cáo xếp hạng toàn cầu các chính phủ dựa trên những can thiệp mà họ đang triển khai nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chỉ số “Cam kết giảm bất bình đẳng” (CRI) cho thấy các chính phủ đang theo hai hướng hoặc là giải quyết hoặc thúc đẩy gia tăng bất bình đẳng.
 
Chỉ số CRI 2018 cho thấy mặc dù là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, Singapore đang nằm trong danh sách 10 quốc gia đứng cuối bảng về giải quyết bất bình đẳng, xếp thứ 149. Thứ hạng này được đo bởi một chỉ số mới bổ sung trong CRI 2018 về các mức độ chính sách quốc gia tạo điều kiện để doanh nghiệp né tránh thuế. Singapore cũng không có lương tối thiểu cho công nhân, ngoại trừ nhân viên vệ sinh và bảo vệ.
 
4_105896.jpg
Ảnh minh họa

 

Nigeria đứng cuối cùng trong 2 năm liên tiếp do chi tiêu xã hội thấp, vi phạm quyền lao động, và thu thuế kém. Xếp hạng phản ánh hiện trạng tại quốc gia này: cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ chết trước ngày sinh nhật 5 tuổi.
 
Ngược lại, Hàn Quốc đã thực hiện các bước đáng kể để giải quyết bất bình đẳng - tăng mức lương tối thiểu lên 16,4%, tăng thuế đối với những người giàu và các công ty và mở rộng chi tiêu xã hội.
 
Các quốc gia khác đang nhiều bước tiến tích cực như Georgia đã tăng chi tiêu cho giáo dục lên gần 6%, nhiều hơn các quốc gia nào khác và Indonesia, quốc gia tăng mức lương tối thiểu lên gần 9% vào năm ngoái.
 
Đan Mạch đứng đầu bảng xếp hạng CRI nhờ quá trình lịch sử lâu dài của các chính sách bao gồm hệ thống thuế lũy tiến, chi tiêu xã hội hào phóng, và có những biện pháp bảo vệ người lao động tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, chính phủ Đan Mạch gần đây đang xem xét lại nhiều chính sách và bất bình đẳng đã tăng lên nhanh chóng.
 
Các nước như Argentina và Brazil cũng đạt chỉ số tốt nhờ chính sách của các chính quyền trước đây. Tuy nhiên, sự đóng băng chi tiêu xã hội trong 20 năm gần đây ở Brazil và các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Argentina đang là nguy cơ ảnh hưởng tới tiến bộ này.
 
Trung Quốc dành hơn gấp đôi ngân sách của mình cho y tế so với Ấn Độ và gần gấp 4 lần cho chi tiêu phúc lợi, cho thấy cam kết nghiêm túc hơn nhiều của chính phủ nước này để giải quyết vấn đề khoảng cách giàu nghèo.
 
Báo cáo này cũng bổ sung các chỉ số mới về né tránh thuế, bạo hành đối với phụ nữ và nguồn dữ liệu cập nhật hơn. Chỉ số mới về bạo hành đối với phụ nữ cho thấy, mặc dù có nhiều thắng lợi đáng kể trong những tháng gần đây từ phong trào #MeToo và các phong trào vận động khác cho quyền phụ nữ, vẫn chỉ có chưa đến một nửa số quốc gia có luật thỏa đáng về quấy rối tình dục. Bất bình đẳng làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu cuộc đấu tranh chống đói nghèo và tăng căng thẳng xã hội.
 
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán rằng nếu các chính phủ không giải quyết bất bình đẳng, mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thực hiện được và gần một nửa tỷ người vẫn sẽ sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm