PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: "Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học”

Thu Hương (Thực hiện)
23/01/2023 - 06:00
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: "Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học”

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân

Đó là chia sẻ của “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022” - PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (SN 1980), Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại (trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, TPHCM).

PV: Xin chị cho biết ý nghĩa của công trình nghiên cứu mà chị vừa đạt giải thưởng?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Tôi nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời - những dạng năng lượng tái tạo - từ năm 2009 khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Tôi nhận thấy đây là một hướng nghiên cứu mang tính cấp thiết vì nguồn năng lượng hóa thạch (NLHT) có trữ lượng hữu hạn và ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng NLHT trong một thời gian dài đã làm cho lượng khí nhà kính trong khí quyển Trái đất vượt quá ngưỡng giá trị cân bằng, dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra ngày càng khốc liệt. Do đó, cần có giải pháp chuyển đổi từ sử dụng NLHT sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với nền kinh tế phát thải khí nhà kính thấp. Pin nhiên liệu là một trong những giải pháp năng lượng cần phát triển.

“Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học” - Ảnh 1.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (giữa) nhận giải thưởng ở Paris, Pháp

PV: Hành trình nghiên cứu công trình đó của chị như thế nào?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Khi biết tôi lựa chọn nghiên cứu về pin nhiên liệu, các giáo sư ở nước ngoài đều phản bác. Họ lo lắng không biết có thể làm được hay không. Khi một lĩnh vực, một đề tài quá mới có nghĩa là sự mạo hiểm quá lớn. Chỉ có một giáo sư nói, cứ để tôi làm. Khi tôi đề xuất hướng đó thì tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải mạnh dạn nghiên cứu tìm tòi, kết quả có như thế nào thì mình cũng sẽ học được nhiều thứ. Quan trọng là mình được nghiên cứu với tất cả đam mê của mình. 

Với nỗ lực suốt 6 tháng, có nhiều đêm tôi chỉ ngủ 1-2 tiếng thì tôi nhận được kết quả vượt ngoài mong đợi. Thành công trong vật liệu đó đã giúp tôi đăng ký được bằng sáng chế của Mỹ và tôi cũng được tốt nghiệp Tiến sĩ luôn. Thành công đó là bước nhảy vọt để tôi quyết đoán hơn trong việc tìm tòi những vật liệu khác.

PV: Sau khi trở về Việt Nam chị có tiếp tục công việc nghiên cứu của mình?

“Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học” - Ảnh 2.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (giữa) trong công việc nghiên cứu - Ảnh: Thông Hải

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Tiếp tục hướng nghiên cứu còn khá mới ở Việt Nam, tôi đối mặt với nhiều khó khăn như: Điều kiện làm việc, mức lương chung của nhà khoa học ở Việt Nam. Thời điểm đó, tiền lương một tháng của tôi chỉ đủ mua 2 gram hoá chất. Và còn rất nhiều khó khăn khác. Tuy nhiên, tôi không nản lòng. Tôi không muốn đất nước mình bị chậm về khoa học công nghệ so với nước ngoài. Tôi thấy lựa chọn nghiên cứu khi ở nước ngoài và quyết định quay trở về Việt Nam là con đường đúng. Tôi hài lòng và hạnh phúc với sự lựa chọn đó. Sự lựa chọn có thành công hay không không quan trọng bằng cách mình dám lựa chọn và dám bước đi. Còn nếu thành công được ghi nhận thì đó là điều may mắn và khích lệ cho những nhà khoa học. Quan trọng là mình được làm những thứ mình đam mê, có ý nghĩa cho cộng đồng.

PV: Theo chị, phụ nữ nghiên cứu khoa học, với chị, gặp những thách thức gì?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Phụ nữ làm khoa học nói chung vẫn gặp những định kiến giới. Nhưng nếu mình chứng minh được bản lĩnh, sự mạnh mẽ, dám nói dám làm của mình thì sẽ không có định kiến giới, thậm chí còn được sự ủng hộ của các tổ chức, Chính phủ. Người phụ nữ làm nghiên cứu khoa học có sẵn sự tỉ mỉ, kiên nhẫn nhưng phải có sự đột phá, mạnh mẽ và bản lĩnh thì sẽ thành công.

“Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học” - Ảnh 3.

Thông tin giới thiệu về PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân tại lễ trao Giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022” do L’Oréal và UNESCO

Với tôi, áp lực không phải gia đình tạo ra cho tôi mà tôi tự tạo áp lực cho bản thân. Gia đình hai bên của tôi, ông xã của tôi luôn đồng hành, tạo điều kiện thật tốt để tôi an tâm cho công việc nghiên cứu. Tôi luôn kết hợp hoạt động gia đình với khoa học. Tôi thường đưa con đi theo trong những chuyến đi làm khoa học vì tôi muốn con cũng có tư duy khoa học từ nhỏ. Tôi muốn ông xã thấy được những nỗ lực của tôi để tiếp tục đồng hành cùng tôi. Đó là một trong những cách gắn kết gia đình.

PV: Sau những áp lực đó, chị cân bằng cuộc sống thế nào?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Là nhà khoa học nhưng tôi không phải là người khô khan. Tôi thích chơi thể thao, yêu nghệ thuật. Tôi thích nghe nhạc, biết hát, biết làm thơ. Lúc mệt mỏi, tôi sẽ tìm đến nghệ thuật.

PV: Dự định của chị trong thời gian tới là gì?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Sau chuyến đi Paris (Pháp) nhận Giải thưởng về, tôi có nhiều động lực hơn khi thấy Việt Nam có thể làm được rất nhiều thứ. Tôi cố gắng sẽ làm nhiều hơn nữa để đưa nghiên cứu này ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Năng lượng đang là vấn đề rất cấp bách, đây không phải là chuyện chúng ta lựa chọn nữa mà chúng ta buộc phải làm để có thể đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng. Mỗi nhà khoa học cần cùng nhau hành động vì một thế giới bền vững hơn.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại (trường Đại học Tài nguyên & Môi trường, TPHCM) là 1 trong 15 nhà khoa học được Quỹ L’Oréal và UNESCO trao giải thưởng "Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới" năm 2022 cho nghiên cứu về công nghệ pin nhiên liệu hydro, một lĩnh vực trọng tâm cho tương lai của năng lượng sạch. Nghiên cứu giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm