pnvnonline@phunuvietnam.vn
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiểu sai về sốt xuất huyết dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe
Trong chuyên đề Chuyện khó có bác sĩ với nội dung "Cảnh báo bùng phát sốt xuất huyết: Những sai lầm làm tăng nguy cơ tử vong" - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu đã có những đính chính về những hiểu sai thường gặp về bệnh sốt xuất huyết.
Hiểu sai về bệnh sốt xuất huyết - Chia sẻ bởi PGS.TS Trần Đắc Phu
1. Nếu từng mắc sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu thì quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Sốt xuất huyết có 4 type là 1,2,3 và 4. Miễn dịch của các type rất bền vững. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn đã nhiễm type này rồi thì sẽ không nhiễm type khác. Ngoài ra, còn có nhiễm chéo.
Khi nhiễm sốt xuất huyết lần 2 thì nguy cơ chuyển nặng có thể sẽ cao hơn. Vì thế với người từng nhiễm sốt xuất huyết cần có các biện pháp phòng ngừa triệt để.
2. Tự ý mua thuốc giảm đau về uống khi có triệu chứng sốt xuất huyết
Trong sốt xuất huyết, bác sĩ thường khuyên sử dụng hạ sốt bằng paracetamol. Đối với các loại thuốc giảm đau hạ sốt như ibuprofen hay Aspirin có thể dẫn tới xuất huyết, có thể nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.
Với các trường hợp bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, các phương pháp hạ sốt vật lý là những phương pháp được khuyến khích sử dụng. Người bệnh cần được cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn mền, lau người bằng nước ấm (tại các vị trí như cổ, nách, bẹn),...
Thuốc hạ sốt chỉ được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với hạ sốt bằng phương pháp vật lý hoặc người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C. Loại thuốc được khuyến khích sử dụng cho người bệnh sốt xuất huyết là paracetamol với liều từ 10-15mg/kg/ lần sử dụng và mỗi lần sử dụng phải cách nhau ít nhất từ 4-6 tiếng. Tổng lượng paracetamol sử dụng để hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết không được vượt mức 4g/24h sẽ khiến gan bị tổn thương.
3. Muỗi gây sốt xuất huyết chỉ sống ở ao tù hoặc nơi nước bẩn
Loài muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết được khoa học xác nhận là các loài muỗi thuộc chi Aedes, gồm Aedes albopictus và Aedes aegypti. Tuy nhiên theo Cục Y tế dự phòng thì trong hai loài muỗi thuộc chi Aedes này thì muỗi Aedes albopictus có mức độ phân bố kém phổ biến hơn và khả năng truyền bệnh cũng thấp hơn so với muỗi Aedes aegypti. Vì vậy trên thực tế thì phần lớn các trường hợp lây truyền bệnh sốt xuất huyết đều do muỗi Aedes aegypti gây nên, chiếm đến khoảng 95% các trường hợp.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nhiều đặc điểm về hình thái dễ dàng phân biệt với các loại muỗi không gây bệnh bằng mắt thường. Cụ thể một số đặc điểm nhận dạng muỗi vằn sốt xuất huyết như sau:
- Muỗi nhỏ, bay nhanh, ở bụng và chân có các vằn (vằn nâu trắng hoặc đen trắng). Bạn cần phân biệt được muỗi thường và muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.
- Muỗi vằn Aedes không đốt vào nửa đêm mà hoạt động nhiều vào khi ánh sáng chạng vạng như chiều tối và sáng sớm. Tại những căn phòng ánh sáng yếu, nó cũng hoạt động cả ngày.
- Trong nhà, muỗi vằn thường đậu ở những chỗ treo quần áo, đặc biệt quần áo sẫm màu.
- Muỗi vằn đẻ trứng ở những khu vực ao tù nước đọng hay bất cứ vật dụng nào có đọng nước ở nơi ẩm thấp.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: "Muỗi sốt xuất huyết không chỉ sống tại những khu vực ao tù nước đọng mà còn sống và sinh sản tại những nơi đọng nước mưa, nước trong do con người tạo nên. Điều này đòi hỏi phòng bệnh sốt xuất huyết không chỉ dừng ở khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm,...".
Ông cũng nhấn mạnh thêm, muỗi sốt xuất huyết thường đẻ ở các mảnh bát để ngoài có nước mưa vào, chai bia có nước mưa, vỏ lon, vỏ hộp, mảnh gáo dừa có nước mưa, lọ hoa ngoài nghĩa trang, ống sắt cắm kéo cờ... Trong nhà thì lọ cắm hoa để lâu trên 1 tuần cũng có thể trở thành môi trường sinh sản cho muỗi sốt xuất huyết.
3. Cắt lể vào nốt sốt xuất huyết trên da, nặn máu để nhanh khỏi
"Điều này rất nguy hiểm bởi hành vi cắt lể có thể gây ra viêm nhiễm, nếu làm mạnh có thể ảnh hưởng tới xương khớp.. ", PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết.
Vậy sốt xuất huyết cần làm gì để nhanh khỏi? PGS.TS Trần Đắc Phu Phu cho biết, người bệnh sốt xuất huyết cần chú ý bù điện giải, tuân thủ hạ sốt theo hướng dẫn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên cháo nhuyễn nếu có xuất huyết tiêu hóa.
4. Kiêng tắm khi bị sốt xuất huyết
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu thì: "Hiện nay, bất kể một bệnh gì đều có nhu cầu vệ sinh. Nhưng cách vệ sinh tắm rửa cần phải ở phòng kín, tránh nơi gió lùa, lau chùi cơ thể sạch sẽ giúp da "hô hấp" tốt hơn và không bị nhiễm trùng. Vì thế bệnh sốt xuất huyết kiêng tắm là một quan điểm cũ, không nên thực hiện theo".
Tóm lại, sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết hiện tại đòi hỏi người dân phải thực sự nắm vững các kiến thức dễ gây hiểu sai về bệnh sốt xuất huyết để phòng và ứng phó khi mắc bệnh. Các chuyên gia dự đoán đỉnh dịch có thể vào tháng 8 nên cần đặc biệt cẩn trọng.