pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phá vỡ định kiến giới qua các tác phẩm đoạt giải sáng tác truyện cổ tích hiện đại
Ngày 12/12, tại Hà Nội, trong hơn 261 tác phẩm dự thi tới từ 193 tác giả trên toàn quốc, Ban tổ chức cuộc thi Thế hệ bình đẳng "Sáng truyện cổ tích thời hiện đại" đã chọn ra 5 tác giả thắng cuộc: Do không có giải Nhất nên giải Nhì thuộc về bạn Phạm Trịnh Yến Chi với tác phẩm "Công chúa cà phê và hoàng tử trà sữa"; giải Ba là bạn Lê Thị Như Thùy với truyện "Người đồng hành" và Bùi Giang với câu chuyện "Nàng công chúa tóc xù"; giải Triển vọng thuộc về tác phẩm "Mỵ Nương tình truyện" của Lê Ngọc Trâm, Minh Quang và tác phẩm "Chuyện ở vương quốc giày" của Vũ Thanh Thư. Những người thắng cuộc sẽ có cơ hội làm việc với các họa sĩ để chuyển thể các câu chuyện thành truyện tranh hoặc phim hoạt hình.
Tại lễ trao giải, bà Elisa Fernandez - Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam cho biết, cuộc thi hướng tới không chỉ nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái và giảm thiểu bất bình đẳng giới trong văn học mà còn là nền tảng cho các thế hệ tương lai có thể tiếp cận các tác phẩm với những nội dung đề cao bình đẳng giới, phá bỏ những rào cản có hệ thống cũng như những quan niệm xã hội ngăn cản phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và các giới khác tận hưởng và để phát huy đầy đủ tiềm năng và khả năng của mỗi người.
Bà Reachbha FitzGerald - Phó ban Phát triển Đại sứ quán Ireland chia sẻ, văn hóa và giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và các mối quan hệ xã hội bình đẳng. Các truyện được giải đã nêu bật những vấn đề liên quan đến định kiến giới và vai trò truyền thống của nam và nữ giới trong xã hội Việt Nam, sự phân chia không đồng đều công việc nhà, chăm sóc trẻ em cũng như các rào cản để phát triển đầy đủ của tất cả các giới, các vấn đề nổi cộm khác.
Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Quốc gia ChildFund nhấn mạnh, cuộc thi được công chúng hưởng ứng nhiệt tình, chứng tỏ giới trẻ ngày nay quan tâm tới việc xóa bỏ định kiến giới và mong muốn đóng góp vào các hoạt động tạo ra những thay đổi tích cực hướng tới công bằng giới. Cuộc thi ghi nhận sự tiến bộ trong nhận thức xã hội về bình đẳng giới tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật.
Chia sẻ khi nhận giải Ba, bạn Bùi Giang (22 tuổi) tóm lược về cốt truyện "Nàng công chúa tóc xù". Câu chuyện về vương quốc Hơ - pênh xa xôi, nơi có nàng công chúa Hơ Chi xấu xí chẳng giống ai: Tóc nàng xoăn, da nàng đen lẻm nhưng nàng có đôi mắt sáng và tiếng cười lanh lảnh đầy tinh quái. Vẻ ngoài của nàng luôn là đề tài bàn tán giữa đám đông. Thế nhưng, nàng chẳng bận tâm, Hơ Chi yêu mái tóc xù và làn da ngăm của mình lắm. Nàng lấy lông chim cột thành hàng gài lên tóc, nàng yêu thích những trang phục khỏe khoắn khoe làn da láng bóng của mình. Hơ Chi luôn vui vẻ và thân thiện với những người xung quanh, dần dà không một ai còn để ý bề ngoài đặc biệt của công chúa nữa. Hơ Chi từ bé đã quen cầm cung săn bắn, lên 10 tuổi nàng đã thành thạo cưỡi ngựa đường rừng. Lớn lên, chứng kiến tài trí dẹp loạn của công chúa Hơ Chi, triều đình và đức vua đồng loạt nhất trí cho nàng thay vua cha trị vì đất nước. Hơ Chi trở thành nữ vương đầu tiên của vương quốc Hơ-pênh. Hơ-pênh dưới sự cai trị của quốc vương Hơ Chi ngày một trù phú và lớn mạnh. Từ đó về sau, vương quốc Hơ-pênh cũng có một tục lệ, đó là nhà vua được quyền lựa chọn người kế vị xứng đáng, bất kể có là gái hay trai.
Theo Bùi Giang, cần phá bỏ các hủ tục, các định kiến giới đè nặng trong tâm tưởng hiển hiện trong văn học và truyện cổ tích: Nhân vật nữ đừng được miêu tả xinh đẹp, yếu đuối, phụ thuộc và tập trung vào các công việc như dọn dẹp, nấu ăn và chăm sóc gia đình. Trong khi đó, các nhân vật nam thường được khắc họa với tính cách mạnh mẽ, chủ động, dũng cảm và nắm vai trò chỉ huy. Câu chuyện hướng đến một xã hội bình đẳng mà ở đó, phụ nữ có quyền sống và làm những điều mình muốn, vẻ bề ngoài không quyết định số phận con người. Không chỉ có nam giới mới có tài thao lược, phụ nữ cũng có trí tuệ, năng lực và sự tự tin để vươn lên lãnh đạo đất nước.