Phấn đấu 100% người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp

Trần Lê - Ảnh: Tuấn Dũng
11/01/2023 - 15:48
Phấn đấu 100% người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp

Hoạt động cho vay ủy thác tại tỉnh Lạng Sơn

"Triển khai tốt các chương trình tín dụng mới khi có Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp" là một tỏng những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Chiều ngày 11/01/2023, NHCSXH tổ chức giao ban Hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội để đánh giá hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH

Ngay từ đầu năm, NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống. Đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 298.972 tỷ đồng, tăng 42.567 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 104.451 tỷ đồng, tăng 24.240 tỷ đồng so với năm 2021, với gần 2.378 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng doanh số thu nợ toàn hệ thống đạt 68.163 tỷ đồng, tăng 9.874 tỷ đồng so với năm 2021.

Tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 284.200 tỷ đồng, tăng 36.230 tỷ đồng so với cuối năm 2021, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 242.925 tỷ đồng, tăng 33.050 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Phấn đấu 100% người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Pió Tổng giám đốc NHCSXH phát biểu khai mạc hội nghị

Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở 09 chương trình lớn bao gồm: Cho vay giải quyết việc làm 56.713 tỷ đồng; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 48.664 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 43.979 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 39.313 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 30.977 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 27.680 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 24.456 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 10.717 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 9.527 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 3.592 tỷ đồng.

Trong năm 2022, đã có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 860,5 nghìn lao động, giúp trên 7,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 62,3 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho gần 86,7 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp gần 1,1 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho trên 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng gần 1.410 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây dựng gần 1,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, gần 11,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp;…

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu 100% người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp - Ảnh 2.

Đại diện NHCSXH báo cáo hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022

Nhiệm vụ năm 2023

Tại Hội nghị, đại diện NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023:

- Triển khai tốt các chương trình tín dụng mới khi có Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

- Hoạt động ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả với dư nợ ủy thác tăng trưởng ổn định, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội; chất lượng hoạt động ủy thác được nâng cao.

- Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng hoạt động tín dụng:

Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố có chất lượng hoạt động giao dịch xã duy trì 100% xếp loại tốt; tổng giá trị giao dịch tại điểm giao dịch xã đạt trên 95% và 100% các phiên giao dịch xã tiếp tục được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, an toàn tài sản.

Thường xuyên kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn đối với các Tổ hoạt động yếu hoặc chất lượng hoạt động không ổn định, nâng tỷ lệ tổ xếp loại tốt, khá hàng tháng đạt từ 96%, tổ xếp loại yếu dưới 0,5%.

Tỷ lệ tăng trưởng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn so với năm 2022 trên 15%. Phấn đấu trên 80% tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên tham gia gửi tiền thông qua Tổ TK&VV hằng tháng.

Phấn đấu 99,5% các xã, phường thị trấn có chất lượng tín dụng đạt từ loại trung bình trở lên, trong đó có 90% số xã, phường, thị trấn xếp loại tốt.

Phấn đấu 100% các chi nhánh có chất lượng hoạt động tín dụng đạt từ loại khá trở lên, trong đó ít nhất 95% chi nhánh xếp loại tốt; Phấn đấu 97% các Phòng giao dịch có chất lượng hoạt động tín dụng đạt từ khá trở lên, trong đó có 90% Phòng giao dịch xếp loại tốt.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm