Phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHPN cấp tỉnh với cơ quan tố tụng

14/11/2019 - 11:11
Trong 2 ngày 14,15/11, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán và Kỹ năng giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Tham dự Hội thảo có TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cùng nhiều đại biểu đến từ TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an và một số cơ quan khác.

Mở đầu Hội thảo, bà Bùi Thị Hòa giới thiệu một số kết quả bước đầu và giải pháp tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp số 11/CTPH-TWHLHPNVN-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/2/2019 trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022 trong thời gian tới.

 

TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

 

Theo bà Bùi Thị Hòa, việc ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022 là một việc làm hết sức cần thiết và kịp thời, trong bối cảnh tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng.

Một trong những mục đích của Chương trình này là nhằm bảo vệ các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; Nâng cao khả năng nhận biết về bình đẳng giới trong quá trình thực thi nghiệm vụ của mỗi ngành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái.

Tính đến nay, có 26/63 tỉnh thành phố thực hiện ký kết Chương trình phối hợp (chiếm 41,2%).

Cũng theo bà Hòa, từ đầu năm 2019 đến nay, sau khi nhận được các tin báo tố giác tội phạm, Hội LHPN Việt Nam đã rà soát, nghiên cứu, tham khảo ý kiến các chuyên gia và gửi 29 văn bản kiến nghị đến các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị xem xét, giải quyết các tin tố giác. Tuy nhiên, Hội LHPN Việt Nam chỉ nhận được 13 phản hồi từ các cơ quan chức năng.

Không chỉ có Hội LHPN Việt Nam kiến nghị, mà Hội còn nhận được kiến nghị từ một số chính quyền địa phương để giúp đỡ các phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại có hoàn cảnh đặc biệt.

Thời gian qua, Hội cũng đã có sáng kiến thành lập Tổ tư vấn pháp lý, tâm lý cho chị em và được sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan khác.

Năm 2019 được TƯ Hội chọn là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này, Hội đã phối hợp truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái gây bức xúc trong dư luận… và đã được các cấp, các ngành phối hợp triển khai với nhiều quy mô, cách thức phong phú.

Hội cũng đã ban hành nhiều clip ngắn với các nội dung tuyên truyền gửi các cơ quan báo chí, truyền thông; tích cực tổ chức Hội thảo để ban hành sổ tay cẩm nang cụ thể để cho các cán bộ của Hội tham khảo trong giải quyết các vụ việc.

Về giám sát, năm 2019, Hội tham gia giám sát một số vụ việc và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giám sát. Tuy nhiên, sau đó Hội ban hành văn bản kiến nghị thì nhiều cơ quan tố tụng ở một số địa phương lại chậm trễ trong việc trả lời.

Về công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ, từ năm 2018, Hội đã phối hợp với Tòa án, Bộ Công an tổ chức nhiều các lớp tập huấn, nhất là ở các tỉnh có tỉ lệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại cao. Ngoài ra, còn tham dự các lớp tập huấn ở nước ngoài về lồng ghép giới, đảm bảo về giới… do các tổ chức quốc tế tài trợ.

Về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, TANDTC đã chủ trì ban hành Nghị quyết 06/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Bộ Công an đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc giải quyết các tố giác liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em; ngoài ra, Hội đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đánh giá về Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022, bà Bùi Thị Hòa cho biết: Kể từ khi Chương trình phối hợp được ký kết đến nay là khoảng thời gian chưa dài, song những thành tích đạt được là đáng ghi nhận, đó là các cơ quan đã phối hợp tốt với nhau; Bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái được phát hiện, khởi tố và xử lý kịp thời hơn; các vụ việc liên quan đến trẻ em gái đã được điều tra một cách thân thiện hơn…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, ví dụ vẫn còn 43 tỉnh, thành phố chưa ký kết được Chương trình phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; sự phối hợp giữa Hội và các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương vẫn chưa được nhuần nhuyễn, chặt chẽ…

Thời gian tới, phấn đấu hết năm 2020 đạt 100% Hội LHPN tỉnh, thành phố và các cơ quan tố tụng cấp tỉnh ký kết chương trình phối hợp; Hàng năm, xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái nhằm định hướng các hoạt động tập trung của năm…

Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm