Chiều ngày 7/12, UBND xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, bé B.H.P.L. (5 tuổi, xã Bình Trị) vừa tử vong do bị chó dại cắn.
Theo đó, bé L. tử vong vào tối ngày 6/12 sau hơn một tháng điều trị.
Sau hơn một tháng, bé L. có biểu hiện của bệnh dại như co giật, hạ huyết áp nên gia đình đưa đến BV ở Đà Nẵng điều trị.
Tuy nhiên, do bệnh đã quá nặng nên sau một thời gian điều trị, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm nên gia đình đưa bé về nhà. Đến khoảng 19h ngày 6/12, bệnh nhi tử vong.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại do virus gây ra, lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người.
Đa số bệnh dại ở người là do chó cắn, tuy nhiên cũng có một số ít là do mèo, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác cắn.
Người bị bệnh dại có những biểu hiện như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày sau khi bị chó cắn, bệnh nhân có biểu hiện như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng. Khi bệnh chuyển sang thời kỳ toàn phát, người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp,…Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại.
Để phòng bệnh dại, các gia đình nuôi chó mèo cân tiêm phòng bệnh cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; Không bán hoặc tiêu thụ sữa hoặc thịt từ bò, trâu, thịt chó bị dại hoặc nghi ngờ dại; Sau khi bị chó mèo cắn cần tiêm phòng dại đủ mũi, đủ liều để bảo vệ cơ thể, tránh nguy cơ bị bệnh dại.