Phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tham giải quyết các bức xúc trong xã hội

Đình Hưng
22/07/2023 - 11:01
Phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tham giải quyết các bức xúc trong xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội thảo

Ngày 22/7, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 938 giai đoạn II”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp để thực hiện hiệu quả, đạt được đúng mục tiêu của Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" (Đề án 938) ở giai đoạn 2. Đặc biệt, bàn cách phát huy được nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái góp phần giải quyết các bức xúc trong xã hội có liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo khẳng định, Đề án 938 đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều cấp ngành từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện.

Các cấp Hội đã kết nối với nhiều nguồn lực đa dạng để thực hiện có hiệu quả; ứng dụng công nghệ số trong thực hiện đế án. Các mục tiêu, kết quả đầu ra của đề án đã đạt được đúng tiến độ, nhiều nội dung đề án đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện đề án và mong muốn thông qua hội thảo sẽ có những ý kiến, đóng góp để tìm ra giải pháp giúp cho giai đoạn 2 của đề án được thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, trong thực hiện Đề án giai đoạn 1, nhiệm vụ của các sở ngành trong việc thực hiện đề án chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào các chương trình, mục tiêu. Điều này ít nhiều dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện Đề án. Do vậy, trong giai đoạn 2, phải làm sao để công tác phối hợp giữa các bên tham gia thực hiện đề án được chặt chẽ hơn, nội dung hoạt động của Đề án phải được xác định là nội dung thường xuyên của các sở, ngành.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư trong việc thực hiện Đề án còn chưa thỏa đáng. Hiện nay, nguồn lực chỉ tập trung ở khâu truyên truyền là chủ yếu, chưa cân đối được hoạt động giữa các nhiệm vụ trong Đề án. Trong giai đoạn 2, phải làm sao để phù hợp, hài hòa các nguồn lực khi đầu tư cho Đề án.

Phát huy nội lực, vai trò chủ động của phụ nữ tham giải quyết các bức xúc trong xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu tham gia Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án 938 giai đoạn II”

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hơn nữa sự chủ động, tham mưu của cán bộ Hội trong tham mưu thực hiện Đề án. "Cán bộ Hội được phân công thực hiện đề án dễ thay đổi, do vậy công tác tham mưu thiếu liên tục", Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam cho hay và nhấn mạnh, cần phải tìm ra giải pháp để nâng cao tính chủ động, cũng như đảm bảo tính liên tục trong công tác tham mưu để thực hiện Đề án. Đồng thời, các cấp Hội phải xác định được vai trò chủ trì trong thực hiện Đề án, thực hiện tốt việc thí điểm và nhân rộng các mô hình.

Về công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam cho biết, công tác này dù được đầu tư kinh phí, hoạt động nhưng việc tuyên truyền chưa thật sự đổi mới cách thức để mang lại hiệu quả cao nhất. Trong giai đoạn 2, phải làm sao đổi mới để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn.

Đồng thời, chủ động lên tiếng đối với các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực một cách hiệu quả; triển khai mô hình để góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo lưu ý cần phải tìm ra giải pháp để khi đề án kết thúc thì tất cả các mô hình đã triển khai, các hoạt động vẫn được duy trì, thực hiện có hiệu quả. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm