Phát huy tài nguyên bản địa, hỗ trợ phụ nữ Hải Dương khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Vân Anh
27/07/2023 - 15:03
Phát huy tài nguyên bản địa, hỗ trợ phụ nữ Hải Dương khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Hội LHPN tỉnh Hải Dương họp Ban giám khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp – phát huy tài năng bản địa” năm 2023

Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội trong tỉnh, nhiều hội viên, phụ nữ tỉnh Hải Dương đã mạnh dạn vươn lên, phát huy nghề truyền thống, mang lại cuộc sống no đủ gia đình và người dân địa phương.

Tạo động lực cho hội viên phụ nữ vươn lên

Tại thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, chị Đặng Thị Hiến (sinh năm 1987) là tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ đã biết vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, kinh tế của chị vẫn rất khó khăn. Quanh quẩn bên mấy sào ruộng và đi lái máy xúc thuê, thu nhập không ổn định, chị đã bàn với chồng tính chuyện cùng nhau làm kinh tế.

Phát huy tài nguyên bản địa, hỗ trợ phụ nữ Hải Dương khởi nghiệp, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Hiến

Năm 2013, chị đã mạnh dạn vay mượn tiền của anh em, bạn bè và một số ngân hàng để đầu tư làm kinh doanh. Số tiền ban đầu anh chị có trong tay chỉ là hơn 10 triệu đồng cộng với số tiền 1 tỷ đồng anh chị vay mượn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quỹ tín dụng, anh chị đã thuê bến bãi để kinh doanh vật liệu xây dựng cung cấp cho bà con trong vùng. Đồng thời mua 2 máy xúc, 1 máy công nông để phục vụ việc vận chuyển vật liệu và nhận dịch vụ san lấp mặt bằng thuê. Thời gian đầu do còn thiếu vốn nên công việc kinh doanh của anh chị cũng gặp nhiều khó khăn và chỉ làm với quy mô nhỏ diện tích có 1.000m2.

Sau vài năm kinh doanh, chị Hiến đã cùng chồng tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, ti vi để trau dồi thêm kiến thức. Với ý chí quyết tâm, chị không ngại khó, ngại khổ chị đã tự trau dồi cho mình những kinh nghiệm đáng quý để quản lý và duy trì mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình.

Nhờ giá cả hợp lý, uy tín, chất lượng nên lượng khách hàng biết đến cửa hàng của anh chị ngày càng tăng. Hiện, mô hình kinh doanh vật liệu của gia đình chị Hiến đã tạo công ăn việc làm cho 6 công nhân lao động với mức lương từ 10 - 12 triệu/người/tháng. Hàng năm trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng từ 400 - 600 triệu đồng/năm. Ngoài việc kinh doanh chị Hiến còn là một phụ nữ điển hình về công tác nhân đạo từ thiện, hàng năm chị thường thăm tặng quà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, trong xóm, nơi chị làm việc và sinh sống.

Cùng chị em giữ lửa làng nghề truyền thống

Tại tỉnh Hải Dương, còn có rất nhiều hội viên, phụ nữ đang ngày ngày gìn giữ thương hiệu truyền thống của làng nghề. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển và mở rộng mạnh mẽ của thành phố Hải Dương, làng nghề bánh đa Lộ Cương có những hướng đi, cách làm phù hợp đã giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.

Ngày trước, khi máy móc công nghệ còn hạn chế, người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi, nhưng những năm gần đây bánh đa Lộ Cương được sản xuất theo hệ thống liên hoàn hoặc bán thủ công,nhiều hộ trong làng nghề đã đầu tư dây chuyền khép kín, từ máy xay bột, tráng bánh đến cắt bánh... giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực. 

Hiện nay, làng nghề còn 16 hộ sản xuất theo hướng tập trung. Các hộ đầu tư dây chuyền sản xất tự động, mỗi dây chuyền sản xuất từ 3 đến 5 tấn sản phẩm/ngày, tăng từ 15 đến 20 lần so với sản xuất thủ công. Mỗi ngày, làng nghề bánh đa Lộ Cương cho ra lò khoảng 60 tấn bánh. Sản phẩm được tiêu thụ ở khắp cả nước và xuất khẩu.

Phát huy tài nguyên bản địa, hỗ trợ phụ nữ Hải Dương khởi nghiệp, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Phụ nữ tham gia sản xuất tại làng nghề bánh đa Lộ Cương

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhận thấy được tiềm năng phát triển của làng nghề truyền thống, Hội Phụ nữ phường Tứ Minh khai thác gần 2 tỷ đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TYM cho 50 hộ gia đình vay vốn để đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Qua đó đã tạo công ăn việc làm cho 170 chị, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời vận động chị em kinh doanh dịch vụ tăng thu nhập từ 12 - 15 triệu/tháng... Từ kết quả trên, 5 năm qua phường Tứ Minh đã có 7 hộ phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo.

Đồng hành cùng hội viên phụ nữ khởi nghiệp

Thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã chính thức phát động cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp – phát huy tài năng bản địa" năm 2023. Từ giữa tháng 3/2023, đến nay Ban tổ chức đã nhận được 81 dự án, ý tưởng khởi nghiệp trên các lĩnh vực đa dạng như nông lâm ngư nghiệp, chế biến, công nghệ sinh học, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, mô hình sinh kế thông minh... 

Qua vòng đánh giá sơ loại Ban Tổ chức đã chọn ra được 30 dự án đạt chất lượng lọt vào vòng bán kết cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. Ban Tổ chức sẽ chấm và đánh giá 20 ý tưởng xuất sắc tham dự Vòng chung kết và tham gia vào ngày hội khởi nghiệp phụ nữ Hải Dương diễn ra trong tháng 10/2023.

"Cuộc thi hứa hẹn nhiều dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa, phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực bồi dưỡng thành các gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp, phát huy nội lực, vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ giúp phụ nữ tự tin, chủ động trong cuộc sống", bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Giám khảo đánh giá.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm