pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát huy vai trò người có uy tín trong vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" ở An Giang
Họp mặt cán bộ, hội viên, người uy tín là người DTTS dân tộc thiểu số Khmer, nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024.
Những phụ nữ Khmer vượt định kiến, tự tin làm kinh tế
Như trường hợp của chị Neàng Nol, dân tộc Khmer, trú tại ấp Mằng Rò (Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, An Giang). Gia đình chị từng nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhưng từ khi nhận được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã và người uy tín tại địa phương, chị đã thay đổi "nếp nghĩ cách làm", vượt qua định kiến giới, mạnh dạn làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Neàng Nol trước đây thường nghĩ rằng việc làm kinh tế để đàn ông lo, phụ nữ chủ yếu chăm lo việc nhà. Vậy nên, nhiều năm liền gia đình chị quay quắt trong cái nghèo với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhờ người có uy tín trong cộng đồng tại địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động chị tham gia các hoạt động cộng đồng, chị Neàng Nol và chồng là anh Chau Khchon bắt đầu quan tâm đến việc phát triển kinh tế, tiếp cận với cách làm ăn mới như chăm nuôi bò, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt... Bản thân chị Neàng Nol cũng nhận thức tiến bộ hơn về bình đẳng giới, chị đã quyết tâm, không ngừng nỗ lực tham gia vào phát triển kinh tế. Chị sát cánh cùng chồng thực hiện mô hình chăn nuôi bò. Hiện nay gia đình chị đã có "của ăn của để".
Chị Nèang Nol phấn khởi chia sẻ: "Trước kia, nhà tôi nghèo lắm! Phải lo cái ăn hàng ngày, nhà cửa thì lụp xụp, tuổi tác ngày một lớn. Vì nghèo khó mà con cái không học đến nơi đến chốn, chúng lớn lên cũng nghèo, nên phải đi làm ăn xa. Lúc đó, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ nghèo hoài không thoát ra được. Phụ nữ thì có biết công chuyện gì đâu mà làm. Nhưng từ khi được các sư chỉ dạy, được chính quyền cho vay vốn nuôi bò, cất cho ngôi nhà đồng đội, đời sống tôi giờ đỡ hơn rất nhiều. Tôi hay nói với bà con trong phum, sóc, nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì gia đình tôi khổ lắm, bà con nên tin theo Đảng, ủng hộ chủ trương của địa phương. Nếu cố gắng, bà con sẽ vươn lên thoát nghèo như gia đình tôi".
Tương tự, chị Nèang Kim Siêng, dân tộc Khmer, sinh năm 1987, hội viên phụ nữ ấp Vĩnh Hạ (Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, An Giang) cũng thay đổi "nếp nghĩ cách làm" nhờ sự giúp đỡ của người uy tín tại địa phương và Hội LHPN địa phương. Nếu như trước đây, chi Siêng không mạnh dạn trong việc vay vốn, loay hoay không tính được cách phát triển kinh thế thì hiện nay, chị đã xóa bỏ tư duy sống dựa vào thiên nhiên, làm ngày nào ăn ngày đó. Chị đã chủ động trong việc chăn nuôi bò sinh sản, chủ động được nguồn thu cho gia đình.
"Lúc trước, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc vay vốn để làm ăn. Bởi vì, vay mượn rất sợ trả không nổi. Gia đình chủ yếu trồng được gì thì ăn nấy, đánh bắt để kiếm sống. Tôi thường hay đi đến chùa và dịp lễ, các sư thường hay động viên bà con làm ăn, chuyển đổi các mô hình kinh tế nếu không hiệu quả. Các chị bên Hội LHPN ở địa phương cũng hay sang hỏi thăm, động viên, trao quà. Từ đó, tôi mới nhận ra mình phải mạnh dạn thay đổi suy nghĩ, phải thử bước ra làm kinh tế, không thể sống nghèo như vậy được. Vậy là, năm 2021 được Hội LHPN xã Vĩnh Trung tín chấp với Ngân hàng CSXH thị xã Tịnh Biên cho tôi vay 40 triệu đồng. Tôi bắt đầu xây chuồng và chọn mua bò mẹ và con nghé về thả nuôi. Tôi còn đi học các lớp về áp dụng kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó đến nay, gia đình tôi đã có đồng thu nhập nhờ việc chăn nuôi bò này. Hiện nay, giá bán bò không cao nhưng với phương pháp chăn nuôi khép kín thì trong một năm, thu nhập của gia đình tôi cũng được trên 30 triệu đồng", chị Siêng bộc bạch.
Trong sự hân hoan, chị Siêng xúc động chia sẻ thêm: "Cứ nghĩ mình sẽ nghèo mãi, lo cơm từng ngày, cứ vậy mà sống tiếp, không dám nghĩ là tương lai sẽ được đủ đầy, nhưng giờ tôi đã làm được, từ sự vận động, tuyên truyền, giúp đỡ của chính quyền xã, của Hội LHPN xã. Phụ nữ mình cũng làm kinh tế vươn lên thoát nghèo được".
Phát huy vai trò quan trọng của người có uy tín
Người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng đồng bào DTTS; họ tham gia tuyên truyền góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như đem lại đổi thay thực chất cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, trong đó có phụ nữ.
Trên địa bàn tỉnh An Giang, người có uy tín trong đồng bào DTTS hiện nay là 63 vị; trong đó có 58 vị là dân tộc Khmer, 5 vị là dân tộc Chăm. Xác định người có uy tín, chức sắc, chức việc là lực lượng nòng cốt trong cộng đồng dân cư, vùng đồng bào DTTS, họ được bầu chọn từ các cụ lớn tuổi trong phum, sóc, có nhiều đóng góp cho địa phương, là người được đồng bào DTTS tin tưởng, xem trọng. Vậy nên, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác phối hợp, vận dụng lợi thế đặc thù của từng địa phương để phát huy hiệu quả tiếng nói, sự ảnh hưởng của người có uy tín.
Phối hợp với các vị là người uy tín để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ DTTS chấp hành tốt chính sách, luật pháp của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; tích cực tham gia thực hiện các chương trình, phong trào, Cuộc vận động của Hội phát động như: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em"; phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới"…
Đặc biệt, với dự án 8, các cấp Hội đã tổ chức 5.802 cuộc tuyên truyền thu hút 12.969 lượt hội viên, phụ nữ DTTS tham dự; cấp phát 4.000 tờ rơi, ấn phẩm quạt nhựa truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.