pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển du lịch và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc Thái

Nghề dệt thổ cẩm ở xã Tiên Đồng vẫn được duy trì và phát triển tạo được sức hút với du khách
Khuyến khích các hộ gia đình tham gia và phát triển du lịch
Tiên Đồng, mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ và là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử như đền thờ Lê Lợi, bãi tập Mã, tập quyền của nghĩa quân Lê Lợi và nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái nơi đây như lễ hội Bươn Xao, làng nghề dệt thổ cẩm Thái Minh…
Phát huy tiềm năng thế mạnh đó, mô hình du lịch Homestay tại bản Chiềng và bản Phẩy - Thái Minh đã ra đời với sự đồng lòng của người dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương, đang mở ra một hướng đi bền vững, gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn di sản.

Mô hình du lịch Homestay tại bản Chiềng và bản Phẩy - Thái Minh rất hút khách
Gia đình chị Vi Thị Thúy ở bản Chiềng là một trong những hộ tiên phong xây dựng mô hình Homestay khi biến ngôi nhà sàn cổ được bảo tồn nguyên vẹn và sức chứa lên đến 70 người thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách phương xa. Ngôi nhà không chỉ cung cấp chỗ nghỉ tiện nghi mà còn là không gian lý tưởng để du khách trải nghiệm kiến trúc và đời sống truyền thống của người Thái.
Theo chị Thúy, mô hình du lịch cộng đồng tại bản Chiềng và bản Phẩy - Thái Minh không hình thành tự phát mà bắt đầu từ năm 2019 theo chủ trương của tỉnh Nghệ An. Chính quyền địa phương đã chọn ra các hộ gia đình có nhà sàn đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng, bổ sung hạng mục đón khách. Các hộ gia đình tham gia được Nhà nước hỗ trợ đáng kể về cơ sở vật chất ban đầu như đệm, chăn, gối và có thể cả nguồn vốn đầu tư nhất định (khoảng 100 triệu đồng/hộ).

Chị Thúy tự tay chuẩn bị những món ăn đặc trưng của dân tộc Thái để đãi khách
Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực cho người dân thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật nấu ăn, cách thức đón tiếp khách, và các chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng khác trong và ngoài tỉnh. Sự hỗ trợ này là động lực quan trọng, khuyến khích các hộ gia đình tham gia và phát triển du lịch.
Ngoài gia đình chị Thúy, ở bản Chiềng có thêm 2 gia đình nữa là hộ chị Lương Thị Vân và Vi Thị Vân cũng xây dựng mô hình này. Tại bản Phẩy – Thái Minh cũng có 3 gia đình phát triển mô hình du lịch cộng đồng gồm, chị Vi Thị Đình, Lương Thị Định và Lào Thị Hải.

Ẩm thực của dân tộc Thái rất đa dạng
"Chúng tôi đã được xã tạo điều kiện cho đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình dịch vụ Homestay ở tỉnh Hòa Bình và Lai Châu. Sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm đã mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang lại khuôn viên, nhà ở phù hợp, đồng thời sưu tầm lại một số đồ lưu niệm được ông, cha để lại làm trưng bày cho khách thăm quan, tìm hiểu. Gia đình tôi nói riêng và hàng chục hộ dân trong bản vẫn giữ được nghề thổ cẩm truyền thống nên rất thu hút được khách du lịch", bà Lào Thị Hải chia sẻ.
Trải nghiệm độc đáo và sống động
Bản Chiềng, bản Phẩy - Thái Minh không chỉ sở hữu lợi thế vượt trội về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn hấp dẫn bởi những trải nghiệm văn hóa đa dạng và chân thực. Đến với đồng bào người Thái nới đây, du khách cũng sẽ được thưởng thức những điệu múa sạp sôi động, những âm thanh cồng chiêng vang vọng, tiếng khắc luống đặc trưng, cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ trữ tình của dân tộc Thái.

Ẩm thực dân tộc Thái không thể thiếu rượu cần
Được tham quan làng nghề dệt thổ cẩm tại Bản Phẩy - Thái Minh, làng nghề này đã được đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề dệt thổ cẩm vào năm 2016. Tại đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến quy trình dệt vải thủ công, thậm chí tự tay ngồi vào khung dệt và chọn mua những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo như khăn, váy làm quà lưu niệm.
Ngoài ra, du khách còn được khám phá nền ẩm thực phong phú của người Thái qua các món ăn truyền thống như cơm lam, bánh mọc, và các món đặc sản khác do các tổ ẩm thực trong bản chế biến, mang đến hương vị đặc trưng của núi rừng. Du khách còn có thể tìm hiểu về nghi lễ "làm vía" độc đáo của người Thái – một nghi thức tâm linh sâu sắc, phản ánh niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng, góp phần gắn kết con người với văn hóa truyền thống.

Điệu múa truyền thống của dân tộc Thái
Bên cạnh giá trị văn hóa, du khách có thể khám phá những hang động tự nhiên hay tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Nổi bật là hang Mó, nơi còn giữ nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên. Bên trong là những hang đá nằm xuyên sâu trong lòng núi với kiến tạo độc đáo, khác lạ.
Vào mùa hè, du khách đến đây sẽ được cảm nhận dòng nước mát lạnh, hòa mình trong không gian mênh mông của núi rừng. Sau chuyến khám phá hang động, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã từ lá rừng mọc cạnh hang Mó, được ăn cá suối vừa ngon, vừa lạ, với hương vị không thể nào quên.

Du khách khám phá hang Mó
Đặc biệt, xã Tiên Đồng còn lưu giữ lễ hội Bươn Xao truyền thống, gắn liền với những di tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi chống giặc Minh vào thế kỷ XV. Sự kết nối các điểm đến này với Đền Khe Sanh và Đền Lê Lợi tại các khu vực lân cận tạo thành một chuỗi tour hấp dẫn, đa dạng hóa lựa chọn cho du khách, đặc biệt thu hút lượng lớn khách vào các dịp hè và lễ hội.
Thách thức và tầm nhìn phát triển bền vững
Mặc dù có nhiều tiềm năng và những bước tiến đáng ghi nhận về phát triển du lịch cộng đồng tại bản Chiềng và bản Phẩy - Thái Minh nhưng nơi đay vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo chị Vi Thị Thúy "vấn đề" của bản là nguồn nhân lực.

Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt khách tìm về Tiên Đồng để trải nghiệm
Dù có sự hỗ trợ ban đầu nhưng việc duy trì và phát triển hoạt động du lịch đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp trong chế biến sản phẩm, quảng bá và quản lý. Hiện tại, nhiều hộ dân còn chưa chủ động hoặc chưa có đủ năng lực để đón khách thường xuyên, dẫn đến tình trạng các Homestay chưa được khai thác đồng bộ, mà chủ yếu tập trung vào một vài hộ mạnh.
Mô hình hoạt động còn mang tính "tự phát" nhiều hơn là liên kết chặt chẽ, khép kín trong cộng đồng. Ví dụ, việc liên kết các hộ chăn nuôi lợn đen, gà đen… để cung cấp thực phẩm sạch cho Homestay như một số địa phương đã thực hiện nhưng ở Thái Minh chưa có điều này.

Du khách nước ngoài cũng đến trải nghiệm tại Tiên Kỳ
Thách thức khác nằm ở việc thiếu một quy chế hoạt động thống nhất và sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ làm du lịch với các làng nghề truyền thống như làng dệt. Điều này làm giảm hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm, giới thiệu văn hóa và tạo ra các gói dịch vụ đa dạng…
Để hiện thực hóa tiềm năng to lớn này, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm và điểm tham quan, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho người dân. Đặc biệt, việc xây dựng một mô hình liên kết chặt chẽ, có quy chế hoạt động rõ ràng giữa các hộ Homestay, làng nghề và các bên liên quan là yếu tố then chốt.

Chị Thúy (bìa trái) đang giới thiệu các món ăn của dân tộc Thái với du khách
"Số người duy trì nghề dệt thổ cẩm ở bản Bản Phẩy - Thái Minh đang giảm đi đáng kể. Là trưởng làng nghề dệt thổ cẩm của bản, tôi rất muốn mở các lớp truyền dạy cho các lớp trẻ kế cận. Nghề dệt thổ cẩm của người Thái là một nét văn hóa độc đáo. Nghề này không chỉ tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để du lịch phát triển, biến nơi đây thành một điểm đến độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam chắc chắn phải bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng mà còn thực sự gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Thái. Tuy nhiên, dù tôi đã đề xuất mở các lớp truyền dạy nghề nhưng đến nay vẫn chưa được cấp trên phê duyệt", bà Hải chia sẻ.