Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Bài và ảnh: An Khê
12/05/2020 - 11:33
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới
Thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên sau 3 năm xây dựng và phát triển đã trở thành một mô hình chăn nuôi điển hình tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Ban đầu, hợp tác xã chỉ là một hộ chăn nuôi cá nhân nhỏ lẻ do chị Nguyễn Thị Hường thành lập, đến nay, chị Hường đã kêu gọi được thêm các thành viên gồm 10 người với số vốn huy động lên đến 100 triệu đồng để phục vụ chăn nuôi nông thủy sản. Hiện nay, Hợp tác xã đã canh tác trên 7 mẫu đất vườn, ao để trồng rau các loại như, trồng bí đao, bắp cải, rau muống... theo mùa và nuôi cá, tôm, ba ba… theo hình thức phát triển nông nghiệp kiểu mới.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch Hợp tác xã chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên

Là hội viên Hội phụ nữ xã Phú Trên có tư duy sáng tạo, hay lam hay làm, chị đã đưa mô hình phát triển nông nghiệp kiểu mới đến với xã. Chị Hường cho biết, trước đây, người dân ở xã sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm nông nghiệp không có thị trường ổn định. Nhiều hộ trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn… mang ra chợ bán hay bị ép giá, thậm chí không bán được. Thấy được điều đó, chị đã bàn với các hộ khác trong thôn thành lập hợp tác xã nông nghiệp để cùng nhau liên kết sản xuất.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - Ảnh 2.

Có tư duy sáng tạo, hay lam hay làm, chị đã đưa mô hình phát triển nông nghiệp kiểu mới đến với xã

"Ban đầu tôi thành lập hợp tác xã rất thiếu vốn, thiếu mặt bằng, đi vay vốn khởi nghiệp là 290 triệu từ ngân hàng chính sách để chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Số tiền này dùng vào việc cải tạo đất, mua tư liệu sản xuất… gặp rất nhiều khó khăn, phải tiết kiệm và hoạch định chi tiêu, dần dần đưa hợp tác xã vượt khó", chị Hường chia sẻ.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - Ảnh 3.

HTX Phú Trên tạo việc làm cho nhiều người và có thu nhập ổn định

Khi chưa thành lập hợp tác xã thì doanh thu của chị chỉ được vài chục triệu nhưng khi thành lập hợp tác xã, doanh thu tăng lên rất nhiều, đảm bảo đời sống cho các thành viên. Nhờ được TW Hội Phụ nữ hỗ trợ mô hình sinh kế và hoạt động theo mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, Hợp tác xã Phú Trên đã tìm được hướng đi đúng, có thị trường tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Hiện nay, doanh thu cả ao là khoảng 300 triệu/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người lao động với mức lương từ 4 triệu đồng/tháng.

"HTX Nông nghiệp và chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên ngày nay có vai trò, vị trí rất quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều hợp tác xã làm tốt vai trò liên kết giữa các hộ nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư", chị Hường nói.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới - Ảnh 4.

Chị Hường và đại diện của Hội phụ nữ huyện và xã

Sau khi mô hình HTX Nông nghiệp và chăn nuôi hỗn hợp Phú Trên hoạt động hiệu quả, để giúp chị em phụ nữ trong xã có cơ hội làm kinh tế, thay đổi cuộc sống, chị Hường đã tư vấn cho nhiều chị em phụ nữ cùng thực hiện, chuyển đổi từ mô hình nuôi ba ba, cá, thỏ quy mô nhỏ sang nuôi tôm, cá thịt và cá giống.

Thông qua các chương trình của Hội Phụ nữ xã Phú Hòa, chị được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các chị em những mô hình như: nuôi tôm, chuyển đổi mô hình chăn nuôi thỏ sang nuôi chim cút, trồng các rau sạch. Đồng thời, tiếp cận đề án 939, thực hiện công tác tuyên truyền, thông qua các chi hội giới thiệu cho chị em các mô hình, ứng dụng tại gia đình, tư vấn về nguồn vốn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất, mô hình đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, có lãi. Nếu hộ nào nuôi tôm thì phải vạch định được thời gian sinh trưởng của tôm, thời gian nào bán, thu nhập, đầu ra. Mỗi năm, thông qua các chi hội phụ nữ, đăng ký cho chị em đi tập huấn 2 đến 3 lần về cách hoạch định kinh doanh, sản xuất, cách liên kết các mô hình ở nơi khác… để thực hiện mô hình.

Theo chị Hường, để mô hình nông nghiệp kiểu mới phát triển trên quy mô rộng, cần được sự quan tâm của các cấp ngành địa phương, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, điều hành hợp tác xã; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất của các thành viên hợp tác xã, chủ động thích ứng với thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Các địa phương, đơn vị sản xuất chú trọng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm