Phía sau bản án là con người

Tiểu Di
31/05/2020 - 07:00
Phía sau bản án là con người
Câu chuyện về bị cáo, sau 4 phiên tòa, bị kết án 3 năm tù, sau khi uống thuốc sâu đã gieo mình từ tầng 2 trụ sở tòa án tỉnh Bình Phước để tự vẫn đã gây ra sự quan tâm chú ý của dư luận.

Vụ án liên quan đến vụ tai nạn giao thông đã gây ra cái chết cho một người (nạn nhân Trần Hữu Quý) nhưng hậu quả nằm ngoài ý chí chủ quan và lỗi, nếu có, cũng chỉ là lỗi vô ý. Câu chuyện xảy ra cũng có một phần lỗi của nạn nhân (dù đây không phải là lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn và hậu quả chết người) khi người này không đồng ý về lấy mũ bảo hiểm, ít nhiều gây khó khăn cho người đang điều khiển phương tiện. Và trên hết, họ vẫn là những người bạn.

Nói như vậy để thấy rằng, hậu quả phần nào chỉ là sự rủi ro và tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng chỉ ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, vẫn phải mất 3 năm để cơ quan tiến hành tố tụng TP Đồng Xoài và tỉnh Bình Phước giải quyết vụ án bằng 4 phiên tòa. 

Điều đáng nói, tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, HĐXH đã kết luận bản án sơ thẩm lần một có tới 11 điểm thiếu sót trong việc điều tra, thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trên cơ sở đó, HĐXX đã hủy bản án sơ thẩm này để điều tra xét xử lại từ đầu.

Phiên tòa sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên ông Phước có tội và đưa ra mức án 3 năm tù. Ông Phước tiếp tục kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm lần hai đã giữ nguyên mức án của tòa sơ thẩm.

Nhưng với một vụ việc khá đơn giản, có đến 4 phiên tòa với các phán quyết mâu thuẫn nhau, cùng với 11 điểm thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình tiến hành tố tụng ban đầu, đã gây ra những ức chế và cảm xúc tiêu cực cho người bị kết án.

Phía sau bản án là con người  - Ảnh 1.

Tòa án với sứ mệnh nhiệm vụ là nơi xét xử, nơi tranh tụng, là điểm đến cuối cùng của quá trình tố tụng, nơi người ta sẽ ra phán quyết. Tại đây, mọi chứng cứ được đưa ra để xem xét một cách công khai, đại diện của cơ quan công tố cũng như những người bào chữa sẽ được quyền tranh luận một cách sòng phẳng minh bạch. Chính vì thế, tòa án luôn được kỳ vọng là nơi công lý được thực thi.

Hơn thế nữa, qua những phiên tòa, HĐXX cũng được kỳ vọng là những người giải thích mọi quy định pháp luật cho những người liên quan, trong đó có cả bị cáo. Đồng nghĩa với việc, họ có nhiệm vụ giải thích pháp luật, phổ biến pháp luật và giáo dục pháp luật cho toàn xã hội.

Những phán quyết của tòa án, trong nhiều trường hợp còn có thể trở thành án lệ có giá trị nghiên cứu và phục vụ cho quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực tiễn xét xử sau này.

Chính vì vậy, phán quyết của tòa phải đúng pháp luật, phù hợp thực tế hay gọi nôm na là thấu tình, đạt lý. Bị cáo, sau phiên tòa phải là người được nâng cao nhận thức về pháp luật, nhận thức đầy đủ hơn về hành vi của mình và quan trọng là sau đó biết sống đúng pháp luật hơn.

Không ít phiên tòa, sau khi được lắng nghe sự giải thích từ phía HĐXX, các bị cáo đã ăn năn hối cải, thậm chí ngay cả phía người bị hại cũng nhận thức rõ hơn về quy định pháp luật để rồi chính họ xin đề nghị giảm án cho bị cáo.

Nhưng điều đáng nói là một vụ án không quá phức tạp, lại có đến 11 điểm vi phạm nghiêm trọng và bị tuyên hủy để điều tra lại từ đầu. Một quá trình tố tụng nữa lại diễn ra, để rồi lại có một phán quyết giống hệt như chính bản án đã bị hủy.

Với những thông tin ban đầu cho thấy, khi để lại những dòng chữ trên facebook cá nhân, ông Lương Hữu Phước hoàn toàn ý thức một cách rất rõ ràng hành động tự kết liễu cuộc sống của chính mình.  

Thậm chí, ông cũng cho thấy một "quyết tâm" cao độ bằng cách cùng lúc vừa uống thuốc trừ sâu vừa gieo mình từ tầng hai trụ sở Tòa án để tự sát.

Trong lịch sử nhân loại, hoạt động tư pháp đã chuyển dịch từ sự trừng phạt ở mức độ hà khắc, thậm chí dã man, sang trọng tâm là ngăn ngừa hạn chế tội phạm. Nhưng để ngăn ngừa tội phạm, điều quan trọng là cần những phiên tòa nghiêm minh để những người nếu có tội nhận ra sai lầm của mình và những người vô tội phải được trả tự do một cách xứng đáng.

3 năm tù không phải là một bản án quá dài, nhưng điều gì đã khiến một con người đánh đổi cả sinh mạng của mình với mong muốn "cải cách nền tư pháp" tỉnh nhà...?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm