pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phía sau bi kịch của em bé bị xâm hại

Ảnh minh họa
"Em cũng chưa biết phải làm sao"
Chị N.P.T điện thoại và nhắn tin dồn dập cho tôi và nhóm luật sư của Hội Bảo vệ Trẻ em TPHCM mấy ngày nay. Không phải là công việc hay các tình tiết mới liên quan tới vụ án, mà là việc con trai N.Q.P của chị gần đây có các biểu hiện khá tiêu cực. Bé lầm lì, ít nói, chỉ chơi game trên điện thoại - một việc xưa giờ không làm. Và điều mẹ bé lo nhất, chính là con thường xuyên mất ngủ.
N.Q.P, 11 tuổi, là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục. Bé bị một người đàn ông đồng tính bắt ép quan hệ tình dục nhiều lần. Sự việc kéo dài tới 2 năm và chỉ bị phát hiện khi có người đồng môn tố cáo. Nhận được tin, mẹ của bé P. cố gắng thu xếp công việc để ở bên con mỗi ngày. Chị T. là giảng viên Đại học. Công việc của chị những tuần gần đây là cho sinh viên thi hết khoá. Những ngày không thể nghỉ việc được, phải coi thi, chị T. buộc phải để con ở nhà 1 mình. Dù chị biết, việc đó không tốt, là việc chẳng đặng đừng. Nhưng, nhà chỉ có 2 mẹ con. Chọn lựa thế nào cũng vẫn thấy có chút khiếm khuyết, thấy không ổn. Kiểu như đắp chiếc chăn mền nhỏ, co kéo bên này thì lại bị hở lạnh bên kia.
"Em giờ cũng không biết phải làm sao. Giờ muốn kiếm bác sĩ cho con đi khám bệnh nhưng kinh tế gia đình rất eo hẹp. Tiền nhà trọ, tiền ăn học, tiền đi lại, thực sự khiến em rất mệt mỏi. Mà con gặp phải chuyện thế này, như là bao nhiêu thứ xui rủi đổ lên đầu 2 mẹ con vậy", chị T. buồn bã nói.
Vậy là nhóm luật sư và nhà báo chúng tôi lại trở thành chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ trong thời gian ngắn "cấp cứu". Còn lại, chúng tôi tìm các mối quan hệ cá nhân để nhờ các chuyên gia y tế phù hợp hỗ trợ. Tất nhiên, các chuyên gia này vì tình thân và sự đồng cảm mà hỗ trợ miễn phí. T. nói, nếu không gặp được chúng tôi, mẹ con chị không biết xoay xở thế nào, về mọi mặt trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Người cha vắng mặt
Trong suốt quá trình gặp gỡ mẹ con chị T., chúng tôi chưa bao giờ thấy ba của bé P. xuất hiện. Vài lần đầu thì còn e dè, cũng chưa muốn hỏi thêm về chuyện riêng tư. Nhưng khi thấy chị T. điện thoại và nhắn tin nhờ về việc cậu con trai, thì tôi đã không thể trì hoãn hơn được nữa. "Chị T., sao không thấy ba của bé P. đi cùng trong mấy lần gặp ở cơ quan điều tra?". Chạm tới nỗi lòng vốn đã bị tổn thương, chị T. khóc nức nở. Câu chuyện của một gia đình từ từ hiện lên, với nhiều nỗi buồn.
Năm 25 tuổi, chị T. gặp gỡ và yêu thương một người bạn trai. Chị T. sống tại TPHCM, còn bạn trai thì sống tại Đà Lạt. Họ được ba mẹ bên chồng mua tặng cho căn nhà tại TPHCM, với mong muốn con cháu cùng xây tổ ấm. Cặp đôi làm đám cưới trước sự vui mừng của cả 2 bên dòng họ. Mọi sự "đầu có xuôi, nhưng đuôi lại không có lọt". "Đám cưới vừa diễn ra không lâu thì em được biết chồng mình ham mê bài bạc. Bất cứ thứ gì liên quan tới việc bài bạc, từ cá độ đá banh, chơi bài trên mạng, số đề… anh ấy đều tham gia và chơi rất nhiệt tình. Tiền bạc của 2 vợ chồng làm ra, ảnh nướng vào các cuộc chơi này, nên lúc nào tài chính gia đình cũng bị thiếu hụt", chị T. kể chuyện.
Can ngăn mãi chồng không nghe, chị T. mang tâm lý chán nản. Chị tập trung vào việc nuôi con nhỏ và đi làm. Công việc "tay phải" không đủ để lo cho gia đình, chị T. còn mở thêm chuỗi gội đầu khá thành công. Tiền làm ra, chị T. mua được 2 căn hộ, cuộc sống đã dư dả hơn, những tưởng mọi thứ cứ êm xuôi như vậy để phát triển thêm chuyện làm ăn. Nhưng dịch Covid-19 ào tới. Không còn mấy ai ghé tới tiệm làm tóc, gội đầu, massage mặt nữa. Các cửa tiệm của chị T. dần dần vắng khách. Không thể trụ nổi với việc "gánh" chi phí mặt bằng và lương cho nhân viên, các chi nhánh gội đầu của chị T. đóng dần. Chị T. phải bán cả 2 căn hộ đi, để lo cho công việc kinh doanh và gia đình. Trong khi đó, chồng chị vẫn theo đuổi với các con số và những trái banh trên mạng.
Chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Một ngày, chị T. nhận được tin nhắn từ chồng với những lời lẽ âu yếm. Sau khi biết được việc gửi nhầm cho người nhận, chồng chị T. chống chế, cho rằng đây là phép thử tình yêu của vợ chồng. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, chồng chị T. quyết định công khai mối quan hệ ngoài luồng. 6 tháng, kể từ khi tin nhắn "đi lạc" xuất hiện, hôn nhân của cặp vợ chồng này tan vỡ. Bé P. mới hơn 1 tuổi được toà giao cho mẹ nuôi, còn chồng cũ của chị T. cưới vợ mới. Đó chính là cô bồ mà anh đã kết giao từ khi vẫn còn trong mối quan hệ hôn nhân với chị T.
Nhưng, chuyện khiến mẹ con chị T. tủi thân nhất, chính là từ lúc gia đình tan vỡ đến nay, đã chục năm trôi qua, mà ba của bé P. không có chút liên lạc nào nữa. Anh chia tay vợ đã đành, nhưng cũng cắt đứt luôn tình cha con máu mủ. Anh xây dựng gia đình mới, sinh liền lúc 3 đứa con. Có lẽ phải dành thời gian chăm các con với vợ mới nên anh không thể gặp gỡ con trai đầu, hay vì điều gì, chị T. và bé P. chẳng thể giải thích nổi. Chỉ biết rằng, bé P. không được gặp mặt ba từ lúc hơn 1 tuổi cho đến tận giờ. Thằng bé không biết ba là ai, dù là chung sống trong một thành phố.
Cùng hỗ trợ tinh thần cho trẻ em
Cả tuần nay, P. rất ít ngủ, thậm chí có nhiều đêm thức trắng, khiến chị T. vô cùng lo lắng và mệt mỏi. Con không ngủ nên mẹ cũng đâu thể bình tâm ngủ nổi. Con về kể với mẹ rằng, có ba của cậu bạn cùng lớp biết chuyện P. bị xâm hại nên đã kể cho con của họ nghe. Bé đó tới lớp, hỏi P. nhiều chuyện khiến P. cảm thấy rất mặc cảm và khó chịu. Con có những diễn tiến tâm lý bất ổn sau khi vụ việc con bị xâm hại nhiều người biết. "Cả tuần nay thi học kỳ, các cô giáo đã rất hiểu và thương con nên tạo điều kiện cho con hết mức. Các cô đã tới tận nhà để cho con làm bài kiểm tra, chứ không cần tới lớp. Em chỉ mong có thể đưa con đi tới nơi nào thật xa, thật yên tĩnh để con bình tâm trở lại", chị T. tâm sự.
Chúng tôi đã liên hệ với một số bác sĩ, nhờ các bác hỗ trợ cho trường hợp của bé T. Bé T. sẽ được thăm khám về thể chất, trò chuyện, hỗ trợ tâm lý ngay sau khi bé kết thúc việc thi cử trong vài ngày tới.
Trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục, và có sẵn các tổn thương khi lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, rất dễ có các sang chấn tâm lý. Vì vậy, việc chăm sóc và chữa lành các vết thương ấy của các bé đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại của người thân trong gia đình và sự chung tay giúp đỡ của nhiều tổ chức trong xã hội.