Bi kịch tinh thần của những người mẹ có con bị xâm hại

Đinh Thu Hiền
11/05/2025 - 18:10
Bi kịch tinh thần của những người mẹ có con bị xâm hại

Người mẹ là "nạn nhân thứ 2" trong các vụ việc con bị xâm hại. Ảnh minh họa: ChatGPT

"Làm mẹ là một cuộc đời. Mỗi niềm vui hay nỗi đau của con, là một vết khắc sâu vào tâm can của mẹ".

Một người mẹ có con bị xâm hại đã viết trong cuốn nhật ký không bao giờ được công bố. Cô ấy chỉ gửi cho tôi một đoạn văn như thế qua zalo. Cô ấy là một trong những người mẹ có con bị người thân trong gia đình xâm hại, cho tới giờ vụ việc vẫn không tiệm cận được ánh sáng vì không ai tin lời kể của đứa trẻ hoặc cho rằng chỉ có lời kể ấy thì chứng cứ quá "mỏng".

Có lẽ không có nỗi đau nào trên đời đau đớn và tàn phá hơn đối với một người mẹ, bằng việc đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau, bảo bọc từng phút giây, bị xâm hại bởi chính người thân. Và càng đau đớn hơn, khi chính người mẹ ấy phải gồng mình làm nhân chứng, là người đi tìm công lý cho con, là người đứng lên giữa búa rìu dư luận, là người lặng lẽ gặm nhấm những tàn tích tinh thần sau mỗi lần đến trao đổi với luật sư, nhà báo, sau mỗi lần phải nghe lại lời khai của con ở cơ quan điều tra, sau mỗi lần nhìn thấy ánh mắt của người đời, đầy thương hại hoặc đầy nghi ngờ.

Chúng ta đã nói rất nhiều về những đứa trẻ là nạn nhân trong các vụ án xâm hại. Nhưng rất ít khi ai đó dừng lại để nhìn vào thân phận người mẹ, những người không chỉ là "phụ huynh hợp pháp" của nạn nhân, mà còn là nạn nhân thứ hai của tội ác ấy: nạn nhân về mặt tâm lý, danh dự, niềm tin và đôi khi là sự đổ vỡ cả một cuộc đời.

Bi kịch tinh thần của những người mẹ có con bị xâm hại- Ảnh 1.

Tin nhắn của một người mẹ có con nghi bị xâm hại gửi tới phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam

Người đầu tiên "sụp đổ"

Thông thường, đứa trẻ sẽ kể cho mẹ nghe bi kịch của nó, cũng có thể cho một người thân khác trong gia đình như bà ngoại, chị gái, bạn đồng môn... Nhưng khi sự thực đau lòng ấy tới tai người mẹ, đó chính là người đầu tiên bị "sụp đổ".

Công an, luật sư, thẩm phán hay các nhà báo chỉ đến sau. Dư luận cũng chỉ ùa tới sau đó. Nhưng người mẹ thì ở vụ việc này, từ phút đầu tiên, với đôi mắt không thể tin, trái tim không thể chịu đựng và tâm hồn như vừa bị bóp nghẹt.

Chị H., 32 tuổi, ở Hà Nội kể lại rằng, khoảnh khắc cô con gái 6 tuổi thốt lên "Mẹ ơi, con sợ chú ấy…", là lúc chị thấy sàn nhà dưới chân mình như sụp xuống. Người mà con gái chị đề cập tới là một người thân trong gia đình, người vẫn thường bế bồng, cho quà, dạy học, và được cả nhà tin tưởng tuyệt đối. Cảm giác bị phản bội, sự tự trách, sự giận dữ, xấu hổ, hoảng loạn và cả tuyệt vọng, dồn dập ập tới cùng một lúc, như một trận cuồng phong xé rách từng mảnh bình yên cuối cùng trong lòng chị.

Khi một người mẹ phát hiện con mình bị xâm hại, thứ đầu tiên chị cảm thấy ngay lập tức chưa phải là sự căm phẫn với thủ phạm, mà là cảm giác tội lỗi với con. Tại sao mình không biết? Tại sao mình không bảo vệ được con? Tại sao con không dám nói? Tại sao lại để chuyện đó xảy ra dưới chính mái nhà này? Những câu hỏi ấy như lưỡi dao, cứa sâu vào lòng tự trọng làm mẹ, khiến nhiều người rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm thần mà không ai xung quanh nhận ra.

Sự đơn độc tàn nhẫn

Nếu người mẹ là người đầu tiên "sụp đổ" khi phát hiện sự thật, thì chị cũng là người đầu tiên phải đứng dậy. Vì con.

Không phải ai cũng hiểu hết, quá trình tố giác một vụ án xâm hại tình dục trẻ em là một hành trình đầy rẫy đau đớn. Người mẹ phải đưa con đi khám nghiệm. Phải khuyên con kể lại từng chi tiết. Phải thu thập bằng chứng. Phải chứng minh rằng con mình không nói dối. Phải giữ vững tinh thần mỗi khi nghe người khác nói: "Biết đâu nó bịa ra?" hoặc "Tại sao đến giờ mới tố giác?".

Người mẹ ấy, một người phụ nữ bình thường, bỗng nhiên bị đẩy vào vai trò của một luật sư, một nhà tâm lý, một người bảo vệ, một nhà đàm phán, một người đưa tin và đôi khi là cả... chiến binh. Họ phải chiến đấu không chỉ với hung thủ, mà còn với xã hội, với sự vô cảm, với những định kiến, và với cả sự im lặng kéo dài như một vết mốc khô khốc giữa cơn mưa bất tận.

Có những người mẹ đã phải từ bỏ công việc để đồng hành cùng con trong các buổi trị liệu. Có người mẹ bị gia đình quay lưng vì "vạch áo cho người xem lưng". Có người mẹ mang tiếng "muốn kiếm gì đó từ vụ việc", trong khi chính họ là người "sụp đổ" nặng nề nhất sau bi kịch ấy.

Họ đơn độc, ngay cả khi đứng trong phiên tòa đông người.

Bi kịch tinh thần của những người mẹ có con bị xâm hại- Ảnh 2.

Chị Đỗ T.H, (áo đỏ ngồi giữa) trao đổi cùng luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM về vụ việc 2 con gái của chị bị cha ruột xâm hại. Ảnh: Đ.T.H

Những thương tích vô hình mà y học không thể chữa lành

Sau khi một bản án được tuyên, nếu đó là bản án thỏa mãn sự công bằng, người mẹ ấy vẫn không kết thúc "cuộc chiến". Trái lại, đó mới chỉ là bắt đầu cho một hành trình hàn gắn kéo dài chưa biết hồi kết.

Cô bé bị xâm hại có thể được trị liệu tâm lý, được chuyển trường, được thay đổi môi trường sống. Nhưng người mẹ thì không thể nào "chữa trị" bằng cách đó. Trong họ luôn là một khoảng trống lạnh lẽo, nơi nỗi đau như một con thú hoang gặm nhấm từng đêm. Họ vẫn phải đi chợ, vẫn phải nấu ăn, vẫn phải đi làm, cười với đồng nghiệp, sống như một người bình thường, trong khi tinh thần đã bị xé nát thành trăm mảnh.

Tổn thương tinh thần ở người mẹ có con bị xâm hại không chỉ dừng lại ở "trầm cảm", "mất ngủ" hay "rối loạn lo âu". Nó cứa sâu hơn, đó là mất niềm tin vào con người, là rạn vỡ trong các mối quan hệ, là ám ảnh kéo dài mỗi khi nhìn thấy con mình cười, hoặc mỗi khi con im lặng bất thường.

Và một khi xã hội chưa thực sự hiểu, chưa thật sự hỗ trợ, thì những người mẹ ấy sẽ mãi mãi là những "bóng mờ" trong các bản án xâm hại tình dục. Họ bị lãng quên, hoặc tệ hơn: bị nghi ngờ.

Cần những cái nhìn thấu cảm và văn minh

Chúng ta thường xuyên nói về việc bảo vệ trẻ em, trừng phạt kẻ xâm hại. Nhưng chúng ta quên mất rằng đứa trẻ ấy còn có một người mẹ, người cần được lắng nghe, được hỗ trợ, và được chữa lành không kém gì con mình.

Sự phục hồi sau khủng hoảng không thể chỉ đến từ phán quyết của tòa án. Nó phải đến từ việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ tâm lý, tư vấn pháp lý và đặc biệt là một cộng đồng biết chia sẻ, biết cảm thông. Những người mẹ ấy không cần chúng ta thương hại. Họ cần được thấu hiểu, được công nhận, và được tôn trọng trong vai trò là những người gìn giữ, bảo vệ và vực dậy những thân phận non nớt nhất.

Việt Nam đã có Luật Trẻ em, đã có các Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đã có những tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí. Nhưng rất ít nơi có mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho cha mẹ của nạn nhân, nhất là mẹ, người thường xuyên bị đặt ra ngoài vùng ưu tiên. Các buổi trị liệu chung, các hội nhóm chia sẻ, hay chí ít là một đường dây nóng tư vấn tâm lý cho phụ huynh, đó là những điều cần thiết phải có nếu chúng ta thực sự muốn chữa lành.

Hành trình "sinh tử"

Làm mẹ chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng làm mẹ trong một vụ án xâm hại là một cuộc hành trình sinh tử.

Mỗi người mẹ từng trải qua cơn "sụp đổ" đó, đều không còn là một người phụ nữ như trước nữa. Họ mạnh mẽ hơn, nhưng cũng cạn kiệt hơn. Họ hiểu hơn về cuộc đời, nhưng cũng cay đắng hơn về lòng người.

Điều duy nhất họ giữ lại, là tình yêu thương dành cho con. Và chính điều đó, dù vụ án có công bằng hay không, dù xã hội có vô cảm hay không, dù mọi người có hiểu hay không, là nguồn lực sống duy nhất để họ tiếp tục.

Nhưng bạn cũng như tôi, tự thấy rằng, xã hội văn minh không phải là xã hội chỉ có công lý cho nạn nhân, mà còn có sự tử tế dành cho người đi cùng nạn nhân trên hành trình tìm lại ánh sáng. Họ - những người mẹ - xứng đáng có một chỗ đứng trong chính sách hỗ trợ, trong luật pháp, và trong trái tim mỗi người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm