Phiên tòa trực tuyến thể hiện tính nhân văn trong nhiều vụ án xâm hại tình dục, trẻ em

PVH
06/09/2023 - 11:52
Phiên tòa trực tuyến thể hiện tính nhân văn trong nhiều vụ án xâm hại tình dục, trẻ em

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du phát biểu tại hội nghị. Ảnh QH

Theo đại diện Tòa án nhân dân tối cao, xét xử trực tuyến có nhiều lợi ích thiết thực, trong nhiều trường hợp đảm bảo tính nhân văn, nhất là các vụ án xâm hại tình dục, bị hại là trẻ em.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV (sáng 6/9), Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử, nhất là trong bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, để đảm bảo giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án.

Theo ông Nguyễn Văn Du, việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 thì hình thức xét xử này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

Trong nhiều trường hợp đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là đối với vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo tính nhân văn trong xét xử liên quan xâm hại tình dục, trẻ em - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV (sáng 6/9)

Bên cạnh đó, tổ chức phiên toà trực tuyến cũng tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân…

Mặc dù vậy, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn. Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, việc bố trí nguồn lực kinh phí thực hiện trang bị cơ sở vật chất để tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện. Việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến cần có sự phối hợp và ý thức chấp hành pháp luật cao của người dân. Trên thực tế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, có trường hợp khi diễn biến tại phiên tòa bất lợi cho mình thì người tham dự phiên tòa ở điểm cầu thành phần có các hành động không hợp tác và đổ lỗi cho yếu tố kỹ thuật, điều đó ảnh hưởng đến quá trình tổ chức phiên tòa.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo tính nhân văn trong xét xử liên quan xâm hại tình dục, trẻ em - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh QH

Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Du cho rằng, quá trình xem xét ban hành chính sách cần đồng thời xem xét việc bố trí nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng khi chính sách được thông qua nhưng không đủ nguồn lực thực hiện.

Đồng thời hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức phiên tòa xét xử vụ các án mà kể cả các phiên họp giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; không quy định giới hạn số lượng điểm cầu thành phần,…

Đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn cho cả việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm