Thận trọng tiến hành các phiên tòa trực tuyến, có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng

PVH
23/10/2021 - 18:08
Thận trọng tiến hành các phiên tòa trực tuyến, có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng

Đại biểu thảo luận từ các điểm cầu tại phiên họp trực tuyến của Quốc hội vào chiều ngày 23/10

Thảo luận chiều 23/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; đồng thời đề xuất việc tiến hành với tinh thần thận trọng, có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 23/10, Quốc hội thảo luận bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Tòa nhà Quốc hội và đoàn ĐBQH các tỉnh/thành trên cả nước.

Các đại biểu tập trung cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Riêng với nội dung dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu: Trần Thị Thu Phước (đoàn ĐBQH Kon Tum), Lý Tiết Hạnh (đoàn ĐBQH Bình Định), Đỗ Thị Việt Hà (đoàn ĐBQH Bắc Giang) cùng bày tỏ đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. 

Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Qua đó, đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.

Thận trọng tiến hành các phiên tòa trực tuyến, có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng - Ảnh 1.

Đại biểu tại các điểm cầu thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Trong đó, các đại biểu đề nghị cần làm rõ việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, nếu là thí điểm thì cần phải xác định rõ thời gian thí điểm; có sự nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể từ thực tế, bởi đây là vẫn đề mới, lần đầu tiên áp dụng nên rất cần tiến hành thận trọng rồi mới nhân rộng.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết: Thực tế tại Bắc Giang thời gian qua, đây là tỉnh đầu tiên bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, tỉnh đã chỉ đạo đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, trong đó có hoạt động tư pháp, tòa án. Trong đó đã xây dựng hệ thống công nghệ, trang thiết bị, tiến hành số hóa các tài liệu, trình chiếu trong một vài phiên tòa xét xử.

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành tổ chức phiên tòa trực tuyến đầu tiên trên địa bàn. Sắp tới cũng tiến hành xét xử trực tuyến một số vụ án lớn, với tinh thần thận trọng, kỹ lưỡng và sẽ có đánh giá, rút kinh nghiệm.

Một số đại biểu khác đưa ra ý kiến, cần phải phân biệt rõ "phiên tòa trực tuyến" với việc "chỉ trình chiếu trực tuyến phiên tòa". Trong đó đòi hỏi yếu tố hạ tầng, kỹ thuật, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận. Đặc biệt là đảm bảo được quyền công dân, quyền con người, xét xử công bằng; đồng thời đảm bảo được sự giao tiếp, tương tác giữa các bên trong quá trình xét xử trực tuyến…

Theo đó, các đại biểu đề xuất giao cho các cơ quan liên quan xây dựng một đề án chung để xử lý các yếu tố cần thiết tiến hành một phiên xét xử trực tuyến, không làm ảnh hưởng quyền lợi giữa các bên tham gia.

Trước đó, thẩm tra về nội dung này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, đồng thời nâng cao hiệu quả tố tụng.

Thận trọng tiến hành các phiên tòa trực tuyến, có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Về nội dung của Nghị quyết, trong đó cho phép "Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng", Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến; tán thành phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị trên.

Theo bà Lê Thị Nga, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn.

Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

Về lâu dài, theo Ủy ban Tư pháp, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện, chậm nhất là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm