pnvnonline@phunuvietnam.vn
Philippines: Phụ nữ sử dụng máy phát điện di động để ứng phó với thiên tai
Lorna dela Pena lấy máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời TekPak tại nhà riêng ở Marabut.
Năm 2013, khi Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào miền trung Philippines, thị trấn Marabut ở khu vực Đông Visayas không xảy ra thương vong. Hơn 1.000 người trèo lên 9,75 m những vùng đất trơn trượt và đá vôi để trú ẩn bên trong hang Tinabanan, một nơi trú ẩn từ thời thuộc địa.
Lorna dela Pena, 66 tuổi, ở một mình khi siêu bão đổ bộ vào ngày 8/11. Cơn bão này khiến hơn 6.000 người thương vong trên toàn quốc và khiến khoảng 4 triệu người phải di tản khỏi nhà.
Khi chuẩn bị cháo nóng cho người dân sơ tán, Pena hiểu được vai trò quan trọng của các tổ chức địa phương trong việc hỗ trợ cộng đồng trước ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Sau trải nghiệm đó, bà cùng với nhiều người khác ở Marabut xây dựng các nhóm phụ nữ hướng đến giải quyết nhiều vấn đề. Giờ đây, họ đi đầu trong việc tổ chức các hội thảo về nông nghiệp hữu cơ, bạo lực đối với phụ nữ, công tác giáo dục cũng như việc khuyến khích phụ nữ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Tận dụng năng lượng mặt trời đối phó với thiên tai và giảm rủi ro
Azucena Bagunas, 47 tuổi và Pena nằm trong số "học giả năng lượng mặt trời" được đào tạo bởi Institute for Climate and Sustainable Cities (ICSC) có trụ sở tại Philippines, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thúc đẩy việc giảm lượng carbon và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Để chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa thiên nhiên sau bão Haiyan, phụ nữ học cách vận hành máy phát điện di động chạy bằng năng lượng mặt trời TekPak, được sử dụng khi sơ tán. TekPaks đem ánh sáng đến các hang tối, giúp dễ dàng nắm số lượng người đang tìm kiếm nơi trú ẩn cũng như cung cấp điện để sạc các thiết bị di động, đảm bảo liên lạc thông suốt. Có lần, TekPak còn cứu được mạng người khi tạo ra điện chạy máy khí dung hỗ trợ một người lên cơn hen suyễn.
Song song đó, Bagunas và Pena hướng dẫn những phụ nữ khác sử dụng TekPak, đồng thời giúp nhiều người nhận thức lợi ích của năng lượng tái tạo. Giờ đây, bất cứ khi nào có bão, phụ nữ ở Marabut chỉ cần đảm bảo thiết bị năng lượng mặt trời của họ được sạc đầy để sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn.
Theo Bagunas, việc khai thác năng lượng mặt trời cũng rẻ hơn so với điện than từ lưới điện. Bà nói: "Nếu sử dụng năng lượng mặt trời làm nguồn điện chính trong nhà, chúng ta thậm chí không phải trả tiền điện". Với Bagunas, năng lượng mặt trời cũng là một lựa chọn an toàn hơn để tránh xảy ra cháy nổ do chập điện.
Ngoài ra, ở những vùng xa xôi, năng lượng mặt trời cũng góp phần phần phát huy thế mạnh. Chẳng hạn như trên đảo Suluan, thuộc khu tự quản Guiuan (Đông Samar), cách đất liền 3-4 tiếng đi thuyền, phụ nữ thường có nhiệm vụ lấy nước ở những khu vực thiếu điện, khiến họ gặp rủi ro khi phải ra ngoài sau khi trời tối. Nhiều người nhận thấy đèn sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo hơn đèn dầu vì họ không phải vượt biển mua nhiên liệu.
Phụ nữ cần tham gia việc mở rộng nguồn năng lượng tái tạo
Theo số liệu năm 2020 từ Bộ Năng lượng, khoảng 60% năng lượng của Philippines vẫn đến từ than và dầu, chỉ khoảng 34% từ các nguồn tái tạo. Theo kế hoạch giai đoạn 2020-2040, chính phủ đặt mục tiêu chuyển nguồn năng lượng của quốc gia sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và đạt 50% vào cuối giai đoạn.
Chuck Baclagon, nhà vận động khu vực châu Á của 350.org, một nhóm quốc tế ủng hộ các hành động chống biến đổi khí hậu, cho biết nỗ lực của ICSC trong việc đưa năng lượng mặt trời đến các cộng đồng sẽ giúp mở rộng năng lượng sạch ở cấp địa phương. Ông nói thêm, mô hình hệ thống điện tập trung vào nhiên liệu hóa thạch ngày nay không giúp giải quyết được tình trạng thiếu điện ở các vùng đảo xa xôi hay những nơi xa các trung tâm thương mại. "Việc chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời xóa bỏ những lầm tưởng rằng chúng ta không đủ khả năng để chuyển đổi. Lý do nhiên liệu hóa thạch đắt là vì nó được nhập khẩu nên giá cả trên thị trường không ổn định", ông Baclagon nói.
Ngoài ra, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời dễ phát triển tại địa phương hơn vì chúng khai thác những gì sẵn có và có tiềm năng cao nhất ở các nơi cụ thể.
Leah Payud từ tổ chức phi lợi nhuận Oxfam Philippines, cho biết cơ quan viện trợ của bà ủng hộ các sáng kiến giới thiệu năng lượng mặt trời ở các cộng đồng nông thôn nghèo vì nó hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, những người dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. "Trong các đợt thiên tai, công việc chăm sóc không được trả lương và công việc nội trợ của phụ nữ tăng gấp đôi, chưa kể họ có thêm gánh nặng do phải tìm nguồn điện để thực hiện những công việc đó. Phụ nữ không được tiếp cận nhà bếp sạch sẽ để nấu ăn và không có điện để giúp công việc của họ nhẹ nhàng hơn".
Theo Payud, những lợi ích trực tiếp mà phụ nữ có thể đạt được từ nguồn điện sạch, rẻ và có sẵn tức thì đồng nghĩa với việc phụ nữ nên được tham gia vào việc mở rộng nguồn năng lượng này. "Họ là những người sử dụng và sản xuất năng lượng chủ yếu, và nếu không có sự tham gia của họ, các sáng kiến năng lượng tái tạo có thể trở nên không phù hợp".
Payud cho biết: Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tốt nhất trong thời kỳ thiên tai, đặc biệt là khi lưới điện bị cắt và không thể đi lại giữa các đảo. Sau Haiyan, phải mất nửa năm để khôi phục điện lưới ở các cộng đồng xa xôi, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu phụ nữ được tiếp cận với năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời.
Với Pena và Bagunas, họ cũng đồng ý rằng phụ nữ nên đi đầu trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nghèo đói vì phụ nữ đóng vai trò như "bộ giảm xóc". "Phụ nữ giám sát cả gia đình, và bất cứ khi nào có vấn đề, họ là những người cố gắng giải quyết nó đầu tiên", Bagunas nói.