Phó Thủ tướng: Dịch chuyển quyền lực để đảm bảo vai trò của Hội đồng trường

D.H
27/11/2020 - 22:00
Phó Thủ tướng: Dịch chuyển quyền lực để đảm bảo vai trò của Hội đồng trường
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi bàn về tự chủ đại học tại hội thảo "Tự chủ đại học – từ thực tiễn đến chính sách" diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội. Dịch chuyển quyền lực cho hội đồng trường, theo Phó Thủ tướng mới có thể thực hiện đúng vai trò theo quy định pháp luật.

Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo thường niên về giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì, sáng 27-11 tại Nhà Quốc hội, ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để triển khai thiết thực việc tự chủ đại học, có hai việc rất quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới. Thứ nhất, phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Muốn vậy, phải có dịch chuyển quyền lực.

Nhóm việc quan trọng thứ hai, theo Phó Thủ tướng là cần phải "khơi thông" trong chính các trường đại học, trong đó đội ngũ lãnh đạo cần thay đổi nhận thức.

Theo Phó Thủ tướng, thực tế là một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn "tôi làm hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường". Điều này gây khó cho hoạt động của Hội đồng trường.

"Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực, nhưng đến giờ vẫn có người hỏi tôi là "Hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to?". Chúng ta phải định hướng rõ cho các trường, hiệu trưởng thì không kiêm Bí thư Đảng ủy mà khi làm Chủ tịch Hội đồng trường thì kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc tự chủ đại học đã diễn ra từ năm 2004, khi đó Chính phủ quyết định thí điểm tự chủ tại đại học 4 trường. Tuy nhiên, nhiều người lúc đó nghĩ rằng, tự chủ đại học là tự chủ tiền - nhà nước không đầu tư.

Phó Thủ tướng: Dịch chuyển quyền lực để đảm bảo vai trò của Hội đồng trường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tình trạng này khiến giáo dục đại học "vật lộn" 10 năm vẫn không ra được kết quả tự chủ. Năm 2014, Chính phủ mới nhìn nhận, đánh giá lại giá trị thực sự của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là "tự chủ chuyên môn". Từ nhận thức đó, cơ quan chủ trì việc thực hiện thí điểm tự chủ cũng được chuyển giao từ Bộ Tài chính sang Bộ GD&ĐT.

Một số mô hình tự chủ được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ như trường Việt Đức, Việt Pháp, sau này là Đại học Việt Nhật. Cộng với mô hình trong nước, ví dụ Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Duy Tân… và sự nỗ lực của một số trường công lập như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM... thì chúng ta mới hình thành nên nghị quyết của Chính phủ về tự chủ hoàn chỉnh.

"Nhờ thành quả này mà ta có Luật Giáo dục Đại học sửa đổi- đây là lần sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học. Theo QS, năm vừa rồi chúng ta có thêm 3 trường được xếp hạng, ngoài các trường truyền thống từ trước đến nay. Đây là một bước tiến rất dài"- ông nói.

Từ những phân tích trên, Phó Thủ tướng cho rằng các trường đại học và nhà hoạch định chính sách cần thống nhất 5 điểm. Cụ thể:

Thứ nhất, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, phương Tây còn gọi là tự chủ học thuật. Ở đó, phải có một mô hình quản trị tiên tiến để lan ra toàn xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học.

Thứ hai, tự chủ phải gắn với giải trình. Lưu ý, giải trình ở đây là giải trình với toàn xã hội, đầu tiên là học sinh sinh viên, đến cán bộ nhà trường, đến phụ huynh rồi đến toàn xã hội… chứ không phải chỉ giải trình với cơ quan Nhà nước.

Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Chúng ta không nên nghĩ đơn giản một chiều. Thực tế, các trường thực hiện tự chủ, nhà nước vẫn rót thêm tiền để đầu tư vào các trường.

Thứ tư, Chính phủ xác định rất rõ, cái này cũng là xu thế thế giới, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước. Trường đại học muốn xây một cái nhà cũng vẫn phải tuân thủ các quy định của ngành xây dựng, quy định của ngành Công an về phòng cháy chữa cháy. Vẫn quản lý nhà nước và bằng pháp luật.

Thứ năm, tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo và đối trượng trong diện chính sách. "Chúng ta phải làm tốt hơn nữa. Hiện tại, cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng còn chậm. Ví dụ, nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm