pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phối hợp thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học công nghệ
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tại lễ ký kết Chương trình phối hợp. Ảnh PVH
Phát biểu tại Lễ ký kết, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam có đóng góp không nhỏ và ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển khoa học công nghệ. Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước), nhiều công trình có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Nhiều nhà khoa học nữ, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á...
Trong ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đã dấn thân, dám nghĩ, dám làm; tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; tạo nên những sản phẩm thiết yếu, mang lại giá trị to lớn, bảo đảm tính căn cơ, bền vững và lợi thế của sản phẩm Việt trên thị trường trong nước và quốc tế…
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học công nghệ. Điển hình như hoạt động xét chọn, trao Giải thưởng Kovalevskaia, qua đó tôn vinh các nhà khoa học nữ với các công trình nghiên cứu xuất sắc, các nữ chủ doanh nghiệp đạt thành tựu cao trong ứng dụng khoa học công nghệ…
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46 trên 132 quốc gia, nền kinh tế; tăng 2 bậc so với năm 2022. Đồng thời Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Đặc biệt, thông qua Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), sau gần 7 năm thực hiện, Đề án đã hỗ trợ được hơn 72 ngàn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;1.470 doanh nghiệp nữ, gần 12 ngàn hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết được thành lập mới; hơn 45 ngàn doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối tiếp cận nguồn vốn trên 400 tỷ đồng.
Đã có 147 dự án khởi nghiệp của phụ nữ đạt giải tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc, trong đó 10 dự án gắn với công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy giá trị văn hoá, truyền thống, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, làm nên thương hiệu Việt, giới thiệu đến mọi miền.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ tin tưởng, qua chương trình phối hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội LHPN Việt Nam đồng hành hiệu quả hơn để phát huy tiềm năng, tăng cường sự tham gia ngày càng chất lượng của phụ nữ trong phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Chủ tịch Hà Thị nga cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quan tâm hơn trong sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới trong khoa học công nghệ; nghiên cứu, đề xuất chính sách, cơ chế tạo môi trường để đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm và tiềm năng; giới thiệu, đề xuất các nhà khoa học nữ tham gia Giải thưởng Kovalepxkaia; quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong hoạt động Hội; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh…
Phát biểu tại buổi lễ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt hoan nghênh việc hai cơ quan thống nhất ký kết Chương trình Phối hợp công tác với mục tiêu là "tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần cụ thể hóa một số mục tiêu, nhiệm vụ của hai bên".
Qua đó tạo các điều kiện thuận lợi hơn để Bộ và Hội LHPN Việt Nam đồng hành trong công cuộc "tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước" như Văn Kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu.
Các đại biểu phát biểu, chia sẻ tại Lễ ký kết
Tại buổi lễ, các đại biểu cũng chia sẻ, thảo luận những kết quả phối hợp và những đóng góp không nhỏ của phụ nữ trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học trong phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời các đại biểu cũng bàn giải pháp để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...
Nội dung chính Chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2024 – 2026:
+ Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách, nâng cao năng lực, tôn vinh các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc.
+ Phối hợp trong truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực về ứng dụng khoa học và công nghệ.
+ Phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật trong tổ chức các sự kiện, diễn đàn, cuộc thi... nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.