Phòng, chống bạo lực gia đình: Bao giờ hết 'loay hoay'?

19/12/2018 - 10:15
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới đây, 1 nữ nạn nhân bạo lực gia đình đang tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên đã khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng cần có nhiều động thái hơn nữa để cứu các nạn nhân bạo lực gia đình, kể cả sau khi họ đã ly hôn.

“Đã trải qua nên tôi hiểu bạo lực gia đình (BLGĐ) là một điều thật sự khủng khiếp, giết chết những gia đình và tương lai những đứa trẻ”, nữ nạn nhân đó cho biết. Điều mà chị nói đến đã phản ánh một phần thực tế của công tác phòng, chống BLGĐ hiện nay. Bởi nói đến BLGĐ, người ta thường nghĩ đó là nắm đấm, là tiếng người la hét, đuổi nhau, kêu khóc và để xóa bỏ BLGĐ thì chỉ cần xóa bỏ những thứ đó. Nhưng trong thực tế, việc xóa bỏ BLGĐ không dễ dàng.

Ảnh minh họa

Bạo lực gia đình đến thế nào thì không được hòa giải

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy, trong năm 2017, tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong lĩnh vực hôn nhân gia đình là 136.407 vụ việc, trong đó hòa giải thành là 108.757 vụ (chiếm 80%); hòa giải không thành là 23.820 vụ (chiếm 17,5%). Con số vụ hòa giải không thành nêu trên đã chứng minh cho một nhận định trong báo cáo của Bộ Tư pháp rằng: “Những năm gần đây, số vụ việc tiếp nhận hòa giải thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình chiếm tỷ lệ cao so với các lĩnh vực khác và tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc thuộc lĩnh vực này cũng đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn rất nhiều vụ hòa giải không thành hoặc hòa giải thành những một thời gian sau thì mâu thuẫn, tranh chấp lại tiếp diễn”.

Nguyên nhân của những vụ hòa giải không thành đối với các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình được báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra là: Do xuất phát từ sự phức tạp của các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ hôn nhân gia đình. Trong khi đó, năng lực và trình độ hiểu biết của hòa giải viên chưa đồng đều, còn thiếu phương pháp, kỹ năng và kiến thức pháp luật chuyên sâu về hòa giải. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng hành vi BLGĐ vẫn được hòa giải viên tiếp nhận và hòa giải, vậy nên kết quả hòa giải không thành hoặc không như mong muốn, vi phạm tiếp tục tái diễn. 

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do đến nay vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được và không được hòa giải đối với các vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, khiến hòa giải viên khó áp dụng đúng trên thực tế.

Cụ thể, Luật Phòng, chống BLGĐ đưa ra quy định về nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình nhưng lại chưa làm rõ các trường hợp BLGĐ có được hòa giải hay không (Khoản 1, Điều 15, Luật phòng, chống BLGĐ). Bên cạnh đó, Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật cũng chỉ quy định không hòa giải “đối với vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết”, mà không nêu hành vi vi phạm cụ thể trường hợp nào không được tiến hành hòa giải ở cơ sở. Do đó đã gây khó cho hòa giải viên trong việc xác định những vụ việc nào được phép hòa giải ở cơ sở, những vụ việc nào thì không được phép.

Cũng theo Bộ Tư pháp, tính riêng trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước thực hiện TGPL cho 600 nạn nhân BLGĐ. Hoạt động TGPL cho phụ nữ là nạn nhân BLGĐ còn gặp một số rào cản như: Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong việc TGPL cho phụ nữ là nạn nhân BLGĐ có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả; việc thực hiện chuyển, gửi vụ việc từ cơ quan liên quan đến tổ chức thực hiện TGPL và ngược lại chưa thường xuyên; một số người thực hiện TGPL ở địa phương chưa được đào tạo bài bàn về kỹ năng làm việc với nạn nhân BLGĐ; một số Trung tâm TGPL chưa bố trí được điểm tiếp riêng cho nạn nhân TGPL, mua bán, xâm hại tình dục.

Đã bị bạo lực còn phải ra khỏi nhà

Với mục tiêu đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân cũng như giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình, Luật phòng, chống BLGĐ có quy định về việc cấm người có hành vi bạo lực đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (Khoản 1, Điều 19). Nhưng cũng theo luật, để biện pháp này được áp dụng thì nạn nhân BLGĐ phải có đơn yêu cầu hoặc nếu người giám hộ, người đại diện hợp pháp làm đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân.

Theo bà Nguyễn Hà Phương, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương, điều này chưa khả thi, không phù hợp thực tiễn. “Do hầu hết nạn nhân bị bạo lực là người vợ, người con, trong đó nhiều người bị phụ thuộc vào chồng về kinh tế nên dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng họ vẫn cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Vì vậy, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, có sự đồng ý của nạn nhân là chưa phù hợp thực tiễn, chưa bảo vệ được các nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ và trẻ em”, bà Phương phân tích.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Luật phòng, chống BLGĐ, điều kiện để cấm tiếp xúc là người có hành vi bạo lực và nạn nhân bạo lực có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Theo bà Phương, điều này không khả thi vì đa số hành vi BLGĐ xảy ra với những người trong gia đình, sống chung trong một mái nhà nên họ không có nơi ở khác. Do đó, khi áp dụng biện pháp này, nếu nạn nhân hoặc người gây ra bạo lực không có nơi ở khác thích hợp thì các cơ quan, tổ chức phải bố trí chỗ ở cho họ, như ở nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn, địa chỉ tạm lánh. Song, trên thực tế, không phải địa phương nào cũng thu xếp được việc này.

Về vấn đề này, ông Hoàng Kim Chiến, nguyên Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, cho rằng, với quy định về nơi ở khác, bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân BLGĐ tự nguyện chuyển đến ở thì gần như mặc định người phải rời nhà đi là nạn nhân chứ không phải là người có hành vi BLGĐ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm