Con gái lớp 4 học hơi đuối, chị Mai biết rõ điều đó vì con có những đam mê, sở thích khác ngoài học tập. Thế nên, chị không đòi hỏi con phải đạt điểm cao. Ở nhà, chị yêu cầu con hoàn thành các bài tập ở sách bài tập Toán, Tiếng Việt để có thể theo kịp các bạn trên lớp. Chị không bao giờ bắt con làm những bài tập khó ở các sách nâng cao vì như thế không khác gì làm khó cho con.
Những buổi đi họp phụ huynh hay những buổi gặp ở lớp, cô giáo thường nhắc đi nhắc lại với chị: Con học chưa giỏi đâu, con thuộc các bạn ở top dưới của lớp đấy, mẹ phải để ý con nhé. Các phụ huynh khác nghe vậy đã cuống lên nhờ cô kèm con ngoài giở. Thế nhưng, chị Mai chỉ nhoẻn cười đáp: "Vâng, em sẽ chú ý tới con hơn".
Vào năm học được mấy tuần, con gái về thông báo với mẹ về việc “cô tổ chức lớp học thêm vào ngày thứ bảy và chủ nhật tại nhà cô, cô giáo bảo mẹ cho con đi học thêm”. Chị Mai không ép con theo ý mình mà hỏi ý kiến con: "Mẹ cho con lựa chọn: “Con muốn cuối tuần về chơi với bố hay đi học thêm?”. Tất nhiên, ở với mẹ cả tuần nên con gái không ngần ngại chọn được về chơi với bố.
Chuyện đi học thêm vẫn làm cô bé trăn trở vì “lớp con bạn nào cũng đi học thêm”. Thế nhưng, vốn vô tư nên niềm vui được đi chơi ngày cuối tuần với bố nhanh chóng làm cô bé quên chuyện đi học. Chị Mai thì quan điểm rất rõ ràng, nếu con không “bận việc về nhà bố” thì chị cũng không cho con đi học thêm. “Các con học cả tuần đã rất mệt mỏi. Cuối tuần phải là ngày các con được xả hơi, vui chơi, đi đến nhà họ hàng, bạn bè, đi các điểm vui chơi. Những hoạt động này có ý nghĩa hơn nhiều việc các con phải gò lưng ở nhà cô làm bài tập Toán, Tiếng Việt”.
Chị Mai cũng cho biết, chị là phụ huynh “cứng” hiếm hoi trong lớp không cho con đi học thêm suốt cả bậc tiểu học. “Tôi biết hầu như năm học nào các cô cũng tổ chức lớp học thêm. Nhiều con vì sợ cô nên nằng nặc bắt bố mẹ cho đi học. Bố mẹ ngày cuối tuần muốn được nghỉ ngơi nhưng “chiều con”, “sợ cô” nên vẫn phải đưa đón con cả buổi. Họ cũng ấm ức và không thích các lớp học thêm ở bậc tiểu học này nhưng không dám cho con nghỉ, như thế chẳng khác nào “chống” lại cô giáo. Hơn nữa, bố mẹ vì ham thành tích và muốn con mình được ưu ái hơn khi tham gia các lớp học thêm do chính cô giáo chủ nhiệm tổ chức”.
Sau mỗi kỳ thi, dù con chỉ được điểm 7, 8, dù không đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng chị Mai vẫn cảm thấy hài lòng về cách lựa chọn của mình. “Con rất vui vẻ, hứng thú khi đến trường khi không bị áp lực điểm số. Bên cạnh việc học, có rất nhiều kỹ năng con phải học, có rất nhiều các hoạt động con cần trải nghiệm. Điều đó sẽ tốt hơn cho tuổi thơ của con”, chị Mai chia sẻ.