Phụ huynh ở TPHCM rối bời trước học kỳ trực tuyến của con

Bài, ảnh: Phạm Hoài
29/08/2021 - 07:42
Phụ huynh ở TPHCM rối bời trước học kỳ trực tuyến của con

Học sinh tại TPHCM sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến

“Gia đình tôi đang đau đầu tìm máy móc phục vụ cho các con học. Hiện tại, nhà tôi chỉ có 1 máy vi tính để tôi làm việc online. Nếu cả 2 con học trực tuyến cùng lúc thì nhà không đủ máy vi tính. Nếu học qua điện thoại thì cũng bất tiện vì tôi phải liên lạc với khách hàng thường xuyên”, chị Trần Kim Tuyến có 2 con học trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) lo lắng nói.

Gặp khó về trang thiết bị

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Phan Tuyết Ngân có con năm nay vào lớp 1 tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TPHCM) cũng đau đầu trước việc học trực tuyến của con. "Trong tình hình dịch bệnh hiện nay tôi cũng đoán trước được các bé sẽ phải học trực tuyến. Thế nhưng, với học sinh lớp 1 việc học trực tuyến lại càng khó khăn. Thứ nhất, vợ chồng tôi có 2 máy tính đã sử dụng để làm việc online nên con học online sẽ không biết lấy máy tính ở đâu. Thứ hai, con còn nhỏ, chưa biết đọc, biết viết, chưa có khả năng nhận diện mặt chữ làm sao thao tác trên máy tính theo yêu cầu của giáo viên. Con cần có sự hỗ trợ của bố mẹ trong khi chúng tôi vẫn phải làm việc trong giờ hành chính. Thứ ba, mắt của bé nhà mình bị cận nên học online tập trung vào máy tính thường xuyên sẽ không tốt", chị Tuyết Ngân tâm sự.

Trước học kỳ trực tuyến của các con, điều mà nhiều phụ huynh trên địa bàn TPHCM quan tâm hiện nay là trang thiết bị, máy móc, đường truyền internet. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng đáp ứng được, nhất là một bộ phận người lao động tự do, người thuê trọ đang thất nghiệp do dịch Covid-19. Họ phải xoay sở tiền ăn hàng ngày, tiền thuê trọ nên việc đầu tư máy vi tính, điện thoại thông minh cho con học là vượt quá khả năng.

Học sinh "mắc kẹt" ở quê

Nhiều phụ huynh tại TPHCM còn có nỗi lo khác là con đang "mắc kẹt" ở quê do dịch. Chị Nguyễn Dịu (Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, từ giữa tháng 5 vợ chồng chị cho con về quê với ông bà nội ở Vũng Tàu, không ngờ dịch diễn biến phức tạp rồi con bị "kẹt" luôn ở quê đến nay. Vợ chồng chị nhiều lần muốn đón con nhưng không được do TPHCM liên tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. "Ở nhà ông bà vẫn có internet và điện thoại thông minh. Nhưng ông bà đã lớn tuổi lại không thành thạo về công nghệ nên việc hỗ trợ cháu học trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Các con ở độ tuổi tiểu học nên chưa tự giác học tập. Khi học trở lại, các con sẽ khó khăn trong việc bắt kịp chương trình", chị Dịu bộc bạch.

Mới đây, tại buổi họp báo thông tin về kế hoạch năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Về sách giáo khoa, đã có hơn 95% sách giáo khoa từ lớp 3 đến lớp 12 đã được chuyển đến các trường. Có sách giáo khoa dành cho lớp 1, lớp 2, lớp 6 gặp khó khăn. Nguyên nhân là sách lớp 2, lớp 6 phải chọn sách mới. Để tháo gỡ khó khăn, hiện trên website của Sở và các trường đã đăng tải bản điện tử sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12 để phụ huynh, học sinh có thể tham khảo trước.

Đối với học sinh bị "mắc kẹt" ở quê, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã ký văn bản hướng dẫn tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh phổ thông được học tập tại nơi cư trú trước tình hình dịch Covid-19. Theo đó, các Phòng GD-ĐT cần tham mưu với UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh có nguyện vọng vào học tập tại các trường nơi học sinh đang cư trú trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với thực tế địa phương, các trường. Đối với học sinh của TPHCM đang ở các tỉnh khác có nhu cầu học tập tạm tại địa phương, nhà trường sẽ hỗ trợ văn bản, scan hồ sơ gửi email đến cơ sở giáo dục nơi học sinh xin học tạm để phối hợp hỗ trợ học sinh.

Kế hoạch năm học 2021-2022 tại TPHCM:

Các trường THCS, THPT sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 1 đến 5/9. Ngày 6/9 sẽ bắt đầu giảng dạy theo chương trình năm học mới.

Các trường tiểu học sẽ tổ chức hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học trên internet từ ngày 8 đến 19/9. Bắt đầu từ ngày 20/9 thực hiện giảng dạy theo chương trình năm học.

Các trường mầm non do đặc thù phải dạy học trực tiếp nên bậc học này có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh có thể đến trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm