Phụ nữ Cơ Tu nỗ lực giữ gìn “vòng đời thổ cẩm”

Nguyễn Thị Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Bắc, Đà Nẵng
16/05/2023 - 18:28
Phụ nữ Cơ Tu nỗ lực giữ gìn “vòng đời thổ cẩm”

Các thành viên tổ liên kết dệt thổ cẩm thôn Tà Lang Giàn Bí, xã Hòa Bắc, thành phố Đà Nẵng

Tổ liên kết dệt thổ cẩm thôn Tà Lang Giàn Bí, xã Hòa Bắc, thành phố Đà Nẵng đã và đang nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đồng thời phát triển nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu trở thành một thương hiệu riêng.

Bản làng Tà Lang Giàn Bí nằm ở thượng nguồn sông Cu Đê, cách trung tâm hành chính xã Hòa Bắc 7km về hướng Tây Bắc và là nơi sinh hoạt của tổ liên kết dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Cơ Tu. Tổ liên kết được thành lập năm 2019 nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, đồng thời tạo sinh kế cho phụ nữ.

Phụ nữ đồng bào Cơ Tu giữ gìn “vòng đời thổ cẩm” - Ảnh 1.

Tổ liên kết được thành lập năm 2019 nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu

Chị Zơ Râm Thị Tin, thành viên tổ liên kết dệt thổ cẩm chia sẻ: Từ xa xưa, con gái Cơ Tu đã được ông bà dạy cách dệt vải, làm túi thơm, làm khăn… Nhưng từ ba thập kỷ sau đổ lại, ảnh hưởng của chiến tranh, di dân, nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một dần và không còn được coi trọng. Phụ nữ nếu không lên rẫy trồng cây, xuống sông bắt cá, về xuôi làm công nhân thì cũng chỉ ở nhà giữ con, chăn trâu bò… Nhưng 5 năm trở lại đây, trước tác động của kinh tế, xã hội và thực trạng có nguy cơ thất truyền. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong đó Hội LHPN xã Hòa Bắc là hạt nhân để tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ ở 2 bản làng Tà Lang và Giàn Bí tham gia khôi phục nghề dệt truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm dần được chú ý đến bởi sự độc đáo, lạ mắt và không đại trà, tạo ra làng sóng thúc đẩy phục dựng, gìn giữ và lưu truyền, góp phần cải thiện kinh tế gia đình". 

Phụ nữ đồng bào Cơ Tu giữ gìn “vòng đời thổ cẩm” - Ảnh 2.

Chị Zơ Râm Thị Tin, thành viên tổ liên kết dệt thổ cẩm

Thế hệ trước truyền lại cho con cháu đời sau, cứ thế, nghề dệt thổ cẩm tồn tại song song với "vòng đời" mỗi người đồng bào Cơ Tu. Để có được các sản phẩm thổ cẩm đẹp, phong phú, các chị phải thật sự kiên trì với đôi tay khéo léo và khả năng sáng tạo. Các loại hình hoa văn có sự đa dạng tùy theo người dệt nhưng tựu chung lại đều hướng đến các hình tượng hoa, cỏ, biểu tượng quen thuộc gắn với đời sống đồng bào. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm dệt được tạo ra đều như một tác phẩm nghệ thuật gắn vào đó là tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh sáng tạo, tinh thần lao động của chị em, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm.

Làng nghề là điểm du lịch, người thợ là hướng dẫn viên

Cùng với sự phát triển của du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch học tập cộng đồng. Bên cnh giá trị độc đáo về tạo hình, sản phẩm dệt thổ cẩm không đơn thuần mang lại giá trị kinh tế, mà chính quy trình sản xuất ra một sản phẩm cũng trở thành một "câu chuyện" để truyền đạt cho du khách. Các hoa văn độc đáo được đính kết tạo hình trên sản phẩm đa dạng nhưng đều hướng đến hình dáng tượng trưng. Du khách khi đến tham quan có thể ghé ngang nhà các cô, các chị để tận mắt xem quy trì chuốt chỉ, vào khuôn, kéo sợi,… Đôi tay thoăn thoắt cùng những mẩu chuyện thú vị về bất kỳ loại họa tiết nào trên sản phẩm cũng mang lại cho du khách một sự tò mò, một kiến thức mới lạ, hấp dẫn. Từ đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bằng nhiều cách được lan tỏa đi khắp nơi, lưu truyền và bảo tồn.

Phụ nữ đồng bào Cơ Tu giữ gìn “vòng đời thổ cẩm” - Ảnh 3.

Thế hệ trước truyền lại cho con cháu đời sau, cứ thế, nghề dệt thổ cẩm tồn tại song song với "vòng đời" mỗi người đồng bào Cơ Tu

Hiện nay, tổ liên kết dệt thổ cẩm của đồng bào Tà Lang Giàn Bí xã Hoà Bắc, thành phố Đà Nẵng có khoảng 30 thành viên với quy mô hoạt động theo hộ gia đình. Đơn hàng thường đến từ các xưởng miền xuôi, các khách du lịch. Ngoài bán đơn lẻ, đa số sản phẩm đều do Tổ trưởng Tổ liên kết cũng là Chi hội trưởng nhận đơn, mua nguyên liệu và chia đều cho các chị em chủ động dệt. Tuy chưa đạt được quy mô lớn, song với thu nhập trung bình 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng và là ngành sản xuất "không khói", không tác động đến môi trường- đây là mô hình được khuyến khích và quan tâm hỗ trợ.

Đồng thời, khách du lịch được đến và chiêm ngưỡng quy trình dệt, cùng nhau thảo luận, đóng góp và trao đổi với người dệt. Từ đó, phụ nữ đồng bào Cơ Tu không chỉ bó hẹp trong không gian gia đình, bản làng mà được giao lưu văn hóa với bạn bè khắp nơi trên cả nước và thế giới, được tự hào giới thiệu những nét đặc sắc của dân tộc mình. Có cơ hội được nghe những góp ý và ngày càng hoàn thiện các sản phẩm. Từ kinh tế cá nhân (thu lợi trên giá trị các sản phẩm), đến thu nhập từ mô hình du lịch góp phần gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường thiên nhiên tại địa phương. Các chị không còn là người thợ, mà trở thành người thầy, người kể chuyện, hướng dẫn viên và lan tỏa các giá trị đến với mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới.

Phụ nữ đồng bào Cơ Tu giữ gìn “vòng đời thổ cẩm” - Ảnh 4.

Các chị không còn là người thợ, mà trở thành người thầy, người kể chuyện, hướng dẫn viên và lan tỏa các giá trị đến với nhiều người

Chị Nguyễn Thị Lan – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tà Lang, Tổ trưởng tổ liên kết dệt thổ cẩm chia sẻ: "Ban đầu, các chị em còn chần chừ bởi chưa có hiệu quả kinh tế, dần dần, được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự động viên của Hội phụ nữ cấp trên, cùng nhiều chương trình dự án thúc đẩy phục hồi, đào tạo và duy trì. Giờ đây chị em tổ dệt phấn khởi, tự hào vì có một cái nghề nuôi sống bản thân và gia đình". 

Chị Lan cũng cho biết thêm: "Bên cạnh những lợi thế đã có, hiện nay tổ cũng còn gặp nhiều khó khăn như sản phẩm mẫu mã chưa đa dạng, làm thủ công nên giá thành cao, chưa có thương hiệu cho sản phẩm. Thị trường tiêu thụ hạn chế và phụ thuộc vào ngành du lịch đối với các đơn bán lẻ,…".

Theo bà Bùi Thị Ga – Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Bắc, để nghề dệt thổ cẩm "sống tốt" và trở thành sinh kế bền vững cho phụ nữ Cơ Tu, ngoài việc đã chú trọng tuyên truyền vận động, khuyến khích các chị em kiên trì với nghề… cần tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con Cơ Tu. Thông qua các trang mạng truyền thông để áp dụng các phương thức quảng bá hình ảnh. Ngoài ra, các  lớp đào tạo nâng cao tay nghề cũng cần được quan tâm để các sản phẩm thổ cẩm sáng tạo, có tính ứng dụng cao vào đời sống hàng ngày và tiếp cận đầu ra một cách thuận lợi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm