pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ dân tộc thiểu số Sơn La phát triển mô hình trồng rau trái vụ
Chị Quàng Thị Hảo đang thu hoạch cải bắp trái vụ
Vào thời điểm thời tiết đã chuyển sang mùa hè, nhưng trên cánh đồng xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La, vẫn bạt ngàn rau củ quả cải như bắp, bí xanh, bí ngồi, cà tím phát triển xanh tốt không khác gì thời điểm thuận vụ trong năm.
Chị Lò Thị Hái ở xã Cò Nòi, chủ một thửa ruộng trồng cải bắp, cho biết: “Mô hình trồng rau trái vụ mới được chị em chúng tôi phát triển từ vài năm trở lại đây. Ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ thiếu nước tưới đến kỹ thuật chăm sóc. Sau một thời gian, chúng tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm chăm sóc, đặc biệt là làm giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới thuận lợi cho việc canh tác”.
Trước kia chưa làm rau trái vụ, chúng tôi chủ yếu canh tác ngô, đỗ, mía là chính, nhưng thu nhập không cao, đặc biệt là trồng mía có khi còn lỗ vốn, do phụ thuộc vào giá thị trường. Vì thế nguồn thu nhập và đời sống cũng khá bấp bênh. Từ khi chuyển sang làm rau trái vụ cho thu nhập khá hơn, bình quân cũng được 6 - 7 triệu/người/tháng, nên chị em rất phấn khởi và tích cực chuyển đổi sang mô hình này.
Rau trái vụ tuy khó làm hơn, cây trồng cũng không phát triển tốt như lúc thuận vụ, thế nhưng giá thành lại cao hơn, nên nguồn thu nhập cũng khá. Chỉ vài năm trở lại đây, xã Cò Nòi đã trở thành điểm trồng rau trái vụ với diện tích vào loại lớn nhất ở huyện Mai Sơn.
Rau trái vụ là mô hình đem lại việc làm và nâng cao thu nhập cho phụ nữ người dân tộc thiểu số ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La
Chị Quàng Thị Hảo, ở xã Cò Nòi, chia sẻ: "Từ năm 2020, gia đình tôi đã đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, tiến hành trồng bắp cải trái vụ. Với khoảng 6 tháng vụ xuân, hè, gia đình tôi có thể trồng được 2 lứa bắp cải. Mặc dù bắp cải trái vụ nhỏ hơn chính vụ, nhưng giá bán khá cao, từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi có lãi cao hơn so với trồng các loại cây màu khác từ 30 - 40%. Ngay trong lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình tôi đã thu được hơn 20 triệu đồng. Dự kiến năm sau, gia đình tôi sẽ không trồng ngô, trồng đậu, mà đầu tư phát triển mở rộng diện tích trồng rau trái vụ để nâng cao thu nhập”.
Xưa kia, vào khoảng thời gian cuối mùa xuân, đầu mùa hè là thời điểm người dân nhàn rỗi, ít việc làm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập. Thế nhưng từ khi áp dụng mô hình trồng rau trái vụ, chị em ở địa phương luôn tất bật với công việc chăm sóc rau củ quả và thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kể từ khi phát triển mô hình trồng rau trái vụ ở địa phương, thương lái đã tìm đến tận nơi để thu mua, nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Đây cũng là những động lực rất tích cực để chị em nỗ lực phát triển mô hình này ngày càng mạnh hơn nữa.
Bà Tòng Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN xã Cò Nòi, cho biết: “Vài năm trở lại đây, chính quyền, đoàn thể địa phương đã khuyến khích chị em chuyển đổi sang trồng rau trái vụ. Bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng chị em vừa làm, vừa rút kinh nghiệmC cùng với đó lcó sự hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn huyện. Đến nay mô hình trồng rau trái vụ đã phát triển ổn định, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em hơn trước rất nhiều”.