Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên thoát nghèo bền vững

Bài, ảnh: N.Minh
27/05/2025 - 20:38
Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên thoát nghèo bền vững

Chị Lư Thị Biền thu hoạch trái đào tiên

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên Đội Cấn (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) từng đối mặt với muôn vàn khó khăn: đất đai hạn chế, thiếu vốn sản xuất, đời sống chật vật. Nhưng giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ, nhiều chị em đã tìm được hướng đi mới, xây dựng cuộc sống ổn định, bền vững trên chính quê hương mình.

Nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Xã Đội Cấn nằm sâu trong vùng biên giới với những con đường đất ngoằn ngoèo. Cuộc sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với phụ nữ. Thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất và điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế khiến việc phát triển kinh tế trở thành thử thách lớn. Nhưng bằng sự đồng hành của Hội LHPN xã Đội Cấn, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có niềm tin và khát vọng về tương lai.

Chị Lư Thị Biền, ở thôn Bản Chang, xã Đội Cấn, vốn có xuất phát điểm hết sức khiêm tốn. Gia đình chị tách hộ trong hoàn cảnh "tay trắng", phải bươn chải từng ngày với đồng vốn ít ỏi. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sự hỗ trợ của Hội phụ nữ địa phương, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái.

Thu nhập từ việc bán lợn mỗi năm lên tới vài chục triệu đồng, một con số không nhỏ ở vùng quê biên giới. Không chỉ dừng lại ở đó, gia đình chị còn trồng 350 cây đào tiên và rừng bạch đàn, thảo quả – những cây trồng cho giá trị kinh tế ổn định và bền vững. Từ một gia đình nghèo khó, nay chị Biền đã có cuộc sống khấm khá, nhà cửa kiên cố.

Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên thoát nghèo bền vững- Ảnh 1.

Nhờ sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo bền vững

Câu chuyện của chị Ngọc Thị Cúc, thôn Nặm Khoang, cũng là tấm gương sáng về sự kiên trì và quyết tâm. Gia đình chị có đất canh tác hạn chế, lại là hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Song, với sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội LHPN xã đã hỗ trợ cây hồi giống cùng ngày công lao động, giúp gia đình chị Cúc có nguồn sinh kế lâu dài.

Đến nay, hơn 500 cây hồi đã phát triển khỏe mạnh và hứa hẹn cho nguồn thu ổn định trong tương lai. Đặc biệt, chị đã được Hội giúp làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Chị Cúc là một trong những hộ đã thoát nghèo từ năm 2024 – một dấu mốc cho thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, chị Lương Thị Huệ, ở thôn Nà Khau, lại có câu chuyện đầy hy vọng về sự phát triển đa dạng sinh kế. Nhận được 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi cùng hỗ trợ con giống bò, dê và 300 cây quế giống từ Hội LHPN xã và chính quyền địa phương, gia đình chị Huệ từng bước tái đàn chăn nuôi, mở rộng sản xuất. Giờ đây, chị không chỉ trả được vốn vay mà còn xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang - biểu tượng của sự vươn lên, bứt phá khỏi cái nghèo.

Hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế

Năm 2024, Hội LHPN xã Đội Cấn quản lý tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội lên tới hơn 3,5 tỉ đồng, với 57 hộ vay, không có nợ quá hạn - một minh chứng rõ nét về sự quản lý hiệu quả và ý thức trách nhiệm của hội viên. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền phòng chống mua bán người và bảo vệ an ninh biên giới, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú.

"Hiện toàn xã còn 8 hộ nghèo, trong đó có 6 hộ phụ nữ nghèo. Hội LHPN xã đã lên kế hoạch hỗ trợ sinh kế, vay vốn và tập huấn kỹ thuật để năm 2025 phấn đấu giúp 5 hộ thoát nghèo. Những con số này không chỉ là mục tiêu, mà là cam kết của Hội đối với sự phát triển vùng biên".

Chị Vi Thị Thơm, Chủ tịch Hội LHPN xã Đội Cấn

Không chỉ có Hội LHPN xã Đội Cấn, nhiều cấp Hội của tỉnh Lạng Sơn cũng luôn chú trọng hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả như: hỗ trợ phụ nữ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau trong đời sống, sản xuất, thực hành tiết kiệm…

Theo đó, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giao nhiệm vụ cho các cấp hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, dự án giảm nghèo đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ, người nghèo và đối tượng thụ hưởng. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo; tuyên truyền phổ biến rộng rãi các mô hình kinh tế hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo...

Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên thoát nghèo bền vững- Ảnh 2.

Các phong trào thi đua lao động, phát triển kinh tế gia đình được Hội LHPN xã Đội Cấn vận động, hỗ trợ tổ chức, giúp phụ nữ vùng biên có điều kiện vươn lên. Ảnh: PNĐC

Để giúp chị em có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ để có giải pháp hỗ trợ về vốn vay phù hợp, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, hằng năm, các cấp Hội phụ nữ còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức dạy nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức trên 300 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hơn 12.000 lượt hội viên tham gia, giúp chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, nhận thức của hội viên được nâng lên, nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, đầu tư, xây dựng các mô hình như: trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kinh doanh dịch vụ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm